Quay lại

Mỹ công bố kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới

Nhà Trắng đã công bố kế hoạch thúc đẩy năng lượng hạt nhân mới, thực hiện cam kết được đưa ra từ năm ngoái. Đây được xem là một trong những nỗ lực cuối cùng của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden để triển khai chính sách chuyển đổi năng lượng trước khi ông mãn nhiệm vào đầu năm tới.

Việc ông Trump tái đắc cử, với những quan điểm hoài nghi về biến đổi khí hậu và những tuyên bố về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã gây xáo trộn các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tham gia hội nghị tại Baku đã tìm cách trấn an các đối tác quốc tế rằng chính sách khí hậu của Mỹ sẽ không bị gián đoạn.

Ông Ali Zaidi, Cố vấn về vấn đề khí hậu của Tổng thống Biden, khẳng định rằng kế hoạch năng lượng hạt nhân là một ví dụ điển hình về sự bền vững của các sáng kiến khí hậu. Ông cho biết năng lượng hạt nhân là lĩnh vực nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và các chính quyền của cả hai đảng đã tiếp tục và duy trì các sáng kiến này qua các nhiệm kỳ khác nhau, đảm bảo rằng tiến trình này không bị gián đoạn. 

Ông Zaidi cũng khẳng định rằng các mục tiêu về năng lượng hạt nhân "được xác định rõ ràng, táo bạo nhưng hoàn toàn khả thi". Theo quan chức này, bất chấp những thay đổi trong chính quyền hoặc các yếu tố chính trị, chiến lược khí hậu của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục vững vàng và phát triển, nhờ vào sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân và các khoản đầu tư lâu dài vào năng lượng sạch.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh năng lượng hạt nhân ngày càng nhận được sự quan tâm lớn tại Mỹ. Hai công ty năng lượng hàng đầu của Mỹ đang lên kế hoạch nối lại hoạt động các nhà máy điện hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ. Các “ông lớn”  công nghệ như Amazon, Microsoft và Google cũng đã ký kết các hợp đồng mua điện hạt nhân, tìm kiếm các nguồn năng lượng không phát thải carbon để đáp ứng cam kết về bảo vệ môi trường.

Cho dù việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có chi phí cao gấp nhiều lần so với các cơ sở năng lượng tái tạo như năng lượng gió và Mặt Trời, nhưng nhiều quốc gia cho rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân là  yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu đưa lượng phát thải ròng về bằng 0 trong tương lai.

Nguồn: Báo Đầu tư