Quay lại

Piano thoái trào tại Trung Quốc

Piano từng là biểu tượng của sự giàu có và đẳng cấp văn hóa tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, sau khi nước này hội nhập quốc tế. Việc mua một chiếc piano và cho con học đàn là cách nhiều gia đình khẳng định vị thế xã hội, từ đó đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ, sản xuất và nhập khẩu piano lớn nhất thế giới.

Để tạo dựng danh tiếng, nhà sản xuất piano lớn nhất Trung Quốc từng mua lại thương hiệu Đức mà nhạc sĩ Johannes Brahms yêu thích vào thế kỷ XIX. Một công ty khác cũng từng có ý định thâu tóm Steinway, thương hiệu piano danh tiếng của New York. Tuy nhiên, thu nhập trì trệ, khủng hoảng bất động sản dai dẳng và quy định kiểm soát dạy thêm khiến piano dần mất đi sức hút đối với nhiều người Trung Quốc.

Doanh số nội địa giảm mạnh và giá piano cũ lao dốc, dẫn đến tồn kho lớn ở các nhà sản xuất. Steinway, dự kiến phát hành cổ phiếu nhờ nhu cầu cao ở Trung Quốc, đã hủy niêm yết vào năm 2023. Trong khi đó, các trường âm nhạc khắp Trung Quốc cũng dần vắng bóng học sinh.

Theo iMedia Research, năm 2022, một số gia đình chi tới 10% thu nhập cho việc học nhạc của con cái. Steinway cho biết có khoảng 30 triệu trẻ em Trung Quốc học piano, gấp ba lần tổng số học viên ở các quốc gia khác cộng lại.

Sự hăng say với loại nhạc cụ này đã đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất piano lớn nhất từ năm 2006. Năm 2019, hơn 390.000 chiếc piano được lắp ráp tại Trung Quốc, theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc (CMIA), chiếm khoảng hai phần ba sản lượng toàn cầu. Cùng năm đó, Trung Quốc nhập khẩu gần 200.000 chiếc piano, chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đó là thời kỳ đỉnh cao của thị trường piano. Trước đó một năm, giá bất động sản tại Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt và các nhà chức trách đã dừng ưu tiên tuyển sinh trung học cho các học sinh có tài năng âm nhạc. Khó khăn kinh tế sâu rộng hơn bắt đầu xuất hiện khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các quy định mới về dạy thêm.

Đến năm 2023, sản lượng piano nội địa giảm còn 190.000 chiếc, nhập khẩu cũng giảm một nửa xuống 100.000 chiếc, theo tạp chí Caijing. Tập đoàn Pearl River, nhà sản xuất lớn nhất, đã trải qua năm khó khăn khi doanh số giảm mạnh, số lượng tồn kho gấp đôi so với bốn năm trước.

Năm ngoái, Pearl River đã bán 70.927 chiếc piano, theo báo cáo thường niên, chỉ bằng một nửa so với năm 2019. Tính đến cuối năm, công ty có 51.315 chiếc piano tồn kho chưa bán được, gần gấp đôi số lượng bốn năm trước đó.

Trong nửa đầu năm 2024, Pearl River lỗ 73,3 triệu nhân dân tệ, trong khi năm 2019 hãng lãi 189,8 triệu nhân dân tệ. Công ty Hailun Piano, một nhà sản xuất khác, cũng báo cáo doanh số giảm 46% và lỗ 17,5 triệu nhân dân tệ.

Khó khăn không chỉ tác động đến nhà sản xuất nội địa mà còn ảnh hưởng đến các thương hiệu quốc tế. Yamaha dự kiến doanh thu tại Trung Quốc sẽ giảm còn 34,5 tỉ yên trong năm tài khóa hiện tại, so với 62,48 tỉ yên hai năm trước, và đã ghi nhận khoản lỗ 2,14 tỉ yên từ các nhà máy sản xuất piano tại Trung Quốc.

Ông Liu Qilong, một người kinh doanh piano cũ ở Trường Sa, cho biết giá piano giảm mạnh khi nhiều trường nhạc đóng cửa và các gia đình thanh lý nhạc cụ. “Khi điều kiện sống khó khăn, ít người quan tâm đến âm nhạc”, ông nói. Ông Liu cho biết, một chiếc piano Kawai trước có giá 10.000 nhân dân tệ, nay chỉ còn 7.000 nhân dân tệ.

Một số người trong ngành vẫn lạc quan cho rằng sụt giảm là điều tất yếu khi nhu cầu piano đạt mức bão hòa. "Piano là hàng tiêu dùng bền, không cần thay thế thường xuyên. Do đó, việc doanh số giảm là điều bình thường khi nhu cầu bão hòa", ông Li Xincao, Chủ tịch Nhạc viện Trung Quốc, chia sẻ với truyền thông nhà nước hồi tháng 3.

Dù vậy, khó khăn của ngành không chỉ nằm ở giảm doanh số nhạc cụ. Tại một trường nhạc ở Bắc Kinh, một phần ba học sinh không quay lại sau đại dịch. Lynn Zhou, giáo viên piano ở Thượng Hải, nhận xét: “Ngày càng ít phụ huynh muốn con học piano. Khu vực trưng bày tại triển lãm gần đây khá đìu hiu, nhiều thương hiệu lớn vắng bóng hoặc thu hẹp gian hàng”.

Nguồn Nikkei Asia Nhipcaudautu