Quay lại

Sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ không tăng đột biến dưới thời Tổng thống Trump

Sẽ không tăng đột biến mà thậm chí còn chậm lại

Các chuyên gia hàng hóa tại Standard Chartered cho hay, sản lượng dầu của Mỹ và đặc biệt là sản lượng dầu mỏ phi truyền thống (dầu đá phiến), đã thay đổi đáng kể kể từ thời điểm ông Trump mới nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017.

Standard Chartered chỉ ra rằng, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 13,40 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 8/2024, mức cao nhất mọi thời đại so với kỷ lục trước đó là 3,31 triệu thùng/ngày được thiết lập vào tháng 12/2023.

Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 4,7 triệu thùng/ngày kể từ mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch là tháng 5/2020; tuy nhiên, chỉ cao hơn 0,4 triệu thùng/ngày so với mức cao trước đại dịch là tháng 11/2019, tương đương với tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng năm chỉ là 80.000 thùng mỗi ngày trong quãng thời gian này.

Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu mỏ của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại trong năm nay và năm 2025. Standard Chartered đã dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt 630.000 thùng/ngày vào năm 2024, và giảm xuống còn 300.000 thùng/ngày vào năm 2025.

Động lực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khiến việc tăng nguồn cung dài hạn trở nên khó duy trì, các nhà phân tích của Standard Chartered nhận định, đồng thời lưu ý rằng sản lượng dầu của Mỹ do một số ít nhà sản xuất lớn và độc lập thống trị, cùng với các công ty tư nhân, thay vì một công ty dầu khí quốc gia như thường thấy ở các quốc gia thuộc OPEC. Các công ty này phần lớn đã từ bỏ chế độ ngày tháng kích hoạt và áp dụng kỷ luật vốn nghiêm ngặt, tránh tăng sản lượng nhanh chóng để ủng hộ việc trả lại nhiều vốn hơn cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức và mua lại cổ phiếu.

Quan điểm của Standard Chartered dường như phù hợp với quan điểm của Goldman Sachs. Quay trở lại tháng 7, Goldman Sachs dự đoán rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 500.000 thùng mỗi ngày trong năm nay, tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng hơn 1 triệu thùng/ngày của năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chiếm 60% mức tăng trưởng sản lượng ngoài OPEC, với lưu vực Permian dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng sản lượng hàng năm là 340.000 thùng/ngày, giảm so với dự báo đầu năm là 520.000 thùng/ngày của ngân hàng Goldman Sachs.

Cũng theo Goldman Sachs, những tiến bộ về công nghệ và hiệu quả đã chiếm hầu như toàn bộ mức tăng trưởng của lưu vực đá phiến Texas-New Mexico kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, Goldman Sachs đã cảnh báo rằng lưu vực Permian có địa chất xấu đi sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong tương lai. Số lượng giàn khoan ở Permian đã giảm gần 15% so với mức cao nhất vào tháng 4 năm ngoái xuống còn 309 như hiện nay và thấp hơn 30% so với mức trung bình của giai đoạn 2018-2019.

Goldman Sachs dự đoán rằng số lượng giàn khoan ở lưu vực Permian sẽ giảm xuống dưới 300 vào cuối năm 2025.

Giá dầu tiếp tục giảm

Giá dầu ngày 11/11 tiếp tục giảm khi mối đe dọa gián đoạn nguồn cung từ một cơn bão ở Mỹ đã lắng xuống cùng với sự thất vọng của các nhà đầu tư đang kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 31 cent, tương đương 0,4%, xuống còn 73,56 USD/thùng vào lúc 03:40 giờ GMT, trong khi giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ giảm 38 cent còn 70 USD/thùng.

Trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 2%.

Gói kích thích kinh tế được Bắc Kinh đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) đã không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, theo nhà phân tích của tập đoàn tài chính IG Tony Sycamore.

Ông Sycamore cho rằng động thái trên của Trung Quốc chỉ ám chỉ đến các biện pháp kích thích khiêm tốn cho thị trường nhà ở và tiêu dùng.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ANZ cho biết việc thiếu các biện pháp kích thích tài khóa trực tiếp ám chỉ rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã để không gian cho việc đánh giá tác động của các chính sách mà chính quyền kế nhiệm Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra.

"Thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang cuộc họp của Bộ Chính trị và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (Trung Quốc) vào tháng 12, nơi chúng tôi kỳ vọng họ sẽ công bố nhiều biện pháp phản chu kỳ thúc đẩy tiêu dùng hơn", các nhà phân tích của ANZ lưu ý.

Tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong nhiều năm qua, hầu như đã không tăng trưởng vào năm 2024 vì tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại. Mức sử dụng xăng tại Trung Quốc đã sụt giảm do sự phát triển nhanh chóng của xe điện trong khi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã được dùng thay dầu diesel làm nhiên liệu cho xe tải.

Giá dầu thế giới sụt giảm sau khi mối lo ngại gián đoạn nguồn cung do cơn bão Rafael ở Vịnh Mexico của Mỹ lắng xuống.

Theo Cơ quan quản lý năng lượng ngoài khơi Mỹ, hơn 1/4 sản lượng dầu khai thác ở Vịnh Mexico của Mỹ và 16% sản lượng khí đốt tự nhiên vẫn ứ đọng vào ngày 10/11.

Shell và Chevron cùng xác nhận ngày 10/11 rằng họ sẽ bắt đầu tái triển khai nhân sự đến các giàn khoan ở Vịnh Mexico để tiếp tục hoạt động.

Sự không chắc chắn từ các chính sách dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đã làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu mặc dù kỳ vọng rằng ông có thể thắt chặt lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất thuộc OPEC như Iran và Venezuela, đồng thời cắt giảm nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu - một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng hơn 1% vào tuần trước.

Các giám đốc điều hành và chuyên gia trong ngành dầu mỏ cho biết thị trường cũng đang được hỗ trợ bởi nhu cầu vững chắc từ các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Họ dự kiến sẽ vận hành các nhà máy trên 90% công suất chế biến dầu thô do lượng hàng tồn kho thấp và nhu cầu về xăng và dầu diesel đang cải thiện.

Nguồn: Báo Đầu tư