Quay lại

Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025: Bội chi 3,8%, chưa tăng lương khu vực công

Thu ngân sách năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng, bội chi 3,8%

Với tỷ lệ nhất trí cao, Quốc hội sáng nay đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với hàng loạt chỉ tiêu quan trọng.  Theo đó, Quốc hội quyết nghị thu ngân sách nhà nước năm 2025 là 1.966.839 tỷ đồng. Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2025 là: 2.548.958 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỷ đồng (3,6% GDP), bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỷ đồng (0,2% GDP).  Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng.  

Về thu ngân sách năm 2025, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán dự toán thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô ở mức cao hơn.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là khoản thu 100% NSTW, trong khi nguồn thu này chịu tác động rất lớn từ sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới khi nền kinh tế đất nước đã tham gia sâu, rộng, toàn diện trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Do đó, việc dự ước các khoản thu này ở mức cao có khả năng ảnh hưởng đến thu NSTW trong trường hợp không đạt dự toán, ảnh hưởng đến khả năng cân đối và triển khai thực hiện nhiệm vụ chi theo kế hoạch. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình, song đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành cần theo dõi sát sao tình hình biến động kinh tế thế giới để có giải pháp điều hành thu phù hợp, bảo đảm tăng thu NSNN ở mức cao nhất.

Ngân sách năm 2024: Cắt giảm 5% chi thường xuyên để xóa nhà tạm, nhà dột nát 

Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn 56.136,146 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ươngnăm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 112/2024/QH15. 

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa 579,306 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 chưa giải ngân hết để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán sang năm 2025.

Cho phép chuyển nguồn 18.220 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 142/2024/QH15...

Nghị quyết cũng cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025.

 Nhiều ý kiến thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo như Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bố trí tại thời điểm hiện nay.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được đề ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần bảo đảm an sinh, xã hội. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo như phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cần rà soát để tránh việc trùng lặp đối tượng với việc hỗ trợ nhà ở tại CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn, triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Một số ý kiến lo ngại tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm; trung bình cả nước mới chỉ đạt 47,3% dự toán Quốc hội giao. UBTVQH đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương để bảo đảm hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.

Chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp

Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Nghị quyết nêu rõ chưa chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.  

Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế...

Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.   

Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại…

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…

Nghị quyết đề Nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ…

Nguồn: Báo Đầu tư