Quay lại

Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chốt GDP khoảng 6,5-7%

Chiều 12/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với 424/426 đại biểu tán thành.

Các chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết định, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Một số chỉ tiêu khác cũng được chốt như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị các chỉ tiêu chỉ đặt 1 số cụ thể, không nên lấy 6,5-7% hay 7 -7,5%. Ngoài ra, có đại biều đề nghị nghiên cứu kỹ lại các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, đặt mức tăng trưởng 2 con số, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, các chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đặt ra trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2025, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở ước thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến đạt khoảng 6,8% và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn khó khăn, thách thức, tác động đến kinh tế nước ta, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.

Giải trình ý kiến đại biểu đề nghị chỉ tiêu CPI tăng dưới 4,5%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2024 là từ 4-4,5%. Trên cơ sở đánh giá áp lực lạm phát từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế, trong đó nhận định áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, đặc biệt là trước biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Việc Chính phủ đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2025 khoảng 4,5% vừa bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo không gian điều hành chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Phấn đấu năm 2025, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, Quốc hội yêu cầu.

Nghị quyết cũng nêu rõ, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Yêu cầu nữa được nêu tại nghị quyết là tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Với kế hoạch năm sau, Quốc hội cũng lưu ý triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ các vướng mắc về phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hoá. Nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với cơ cấu lại và phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc đầu tư các dự án quy mô lớn, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là vấn đề phát hành trái phiếu, cổ phiếu, bảo lãnh phát hành của doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan.

Nghị quyết cũng nêu rõ, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp lớn dân tộc. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023.

Có cơ chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc bằng công trình hạ tầng để thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%, Quốc hội yêu cầu. 

Nguồn: Báo Đầu tư