Quay lại

"Cầu nối" tiếp sức cho hàng Việt ra thị trường toàn cầu

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh nôi dung này tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các Hiệp hội và doanh nghiệp do VCCI tổ chức, chiều 12/11/2024.

Tình hình thế giới đang biến đổi nhanh chóng và khó dự đoán, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh đó cũng sẽ thay đổi theo. Ông Hoàng Quang Phòng nói, cộng động doanh nghiệp mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò  "cầu nối" tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua trên trường quốc tế.

Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34, mỗi Đại sứ Việt Nam ở thị trường nước ngoài luôn luôn mang trong lòng niềm tự hào, sự tự tin và trách nhiệm lớn lao về nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiến ra thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền-Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York, Mỹ.

Đáp lời ông Phòng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York, Mỹ khẳng định " Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai mạnh về công tác ngoại giao kinh tế, huy động mọi nguồn lực phục vụ thương mại, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cùng đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam".

"Ô tô chúng tôi sử dụng trong công tác là ô tô Việt Nam, quần áo mặc trên người cũng là sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, như một Đại sứ hàng Việt trước tiên", ông Việt nói.

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), 9 tháng năm 2024, có gần 50 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo đất nước với các nước trên thế giới, trong các hoạt động này, nội dung về kinh tế luôn là trọng tâm. Mới nhất là chuyến thăm 3 nước UAE, Qatar, Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai của Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

Trong chuyến đi này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trong tiến sâu sang các thị trường Trung Đông, châu Phi thời gian tới đã được nhìn thấy rõ ràng hơn từ các hoạt động ngoại giao cấp cao và ký kết FTA với UAE.

Là ngành xuất khẩu đóng góp khoảng 45 tỷ USD/năm, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đề nghị: "Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối, giúp ngành dệt may mở rộng thị trường, cung cấp thêm thông tin thị trường, quy định mới từ các nước sở tại để chủ động chuẩn bị và thích ứng".

Bởi, điều kiện kinh doanh hiện tại có nhiều biến động (chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai...), rồi các thị trường lớn như Mỹ, EU đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới, như chiến lược phát triển bền vững thay cho thời trang nhanh, nhãn sinh thái...Những vấn đề này doanh nghiệp dệt may chưa nắm kỹ, rất cần được thông tin thêm.

"Gần đây, có những nhà bán lẻ đã có cả trăm năm hoạt động phá sản, nhưng doanh nghiệp không biết thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ, khi đổ vỡ cũng là vấn đề lớn, ngành dệt may mong được Cơ quan ngoại giao cung cấp thông tin kịp  và hỗ trợ tìm kiếm luật sư uy tín để doanh nghiệp giải quyết tranh chấp trong vụ việc cụ thể", Phó chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm đề đạt.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) kể câu chuyện về doanh nghiệp được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ để "thoát hiểm" trong một số vụ giao dịch với các đối tác nước ngoài.

"Mới đây,  có doanh nghiệp thành viên của Hapro ký kết hợp đồng nhập khẩu với một công ty Hoa Kỳ, nhưng bị hacker, donh nghiệp đã chuyển 200.000 USD cho tài khoản của nhà xuất khẩu, nhưng tài khoản này lại ở Dubai, Sau khi biết có "vấn đề", được Đại sứ Việt Nam tại UAE kịp thời gửi Công hàm cho Ngân hàng sở tại, nhờ đó doanh nghiệp đã tránh được thiệt hại một khoản tiền lớn".

Công tác ngoại giao kinh tế được phối hợp triển khai hiệu quả giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất.

Nhưng lưu ý tới các doanh nghiệp Việt, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói: "thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh chính sách lớn tại Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, các doanh nghiệp cần hết sức để ý đến vấn đề thuế, xuất xứ hàng hóa và bảo hộ thương mại để có sự chuẩn bị và thích ứng kịp thời".

Nguồn: Báo Đầu tư