Nỗi lo của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc
Số lượng các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng tăng, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của họ, theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc. Khảo sát niềm tin kinh doanh hằng năm của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu cho thấy, 55% số người được hỏi cho rằng sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc là 1 trong 3 thách thức hàng đầu, con số này tăng lên so với năm trước là 36%.
Theo ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát mà mối quan tâm đến tình trạng nền kinh tế Trung Quốc tăng lên đến 19% chỉ trong 1 năm. “68% thành viên của phòng thương mại cho biết các yếu tố kinh tế vĩ mô như nhu cầu yếu kém ở Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kiếm tiền của họ trên thị trường này”, ông Eskelund nói.
Kết quả khảo sát từ 529 công ty được công bố cùng tuần với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm, đã cam kết tạo thêm cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp từ châu lục này. Tuy nhiên, Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn như một điểm đến đầu tư. Chỉ có 15% số người được hỏi coi Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho các khoản đầu tư hiện tại, trong khi 13% cho rằng đây là mục tiêu hàng đầu cho các khoản đầu tư trong tương lai. Cả 2 con số này đều giảm so với năm trước xuống mức thấp kỷ lục.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 3/10 công ty báo cáo biên lợi nhuận cao hơn ở Trung Quốc so với mức trung bình toàn cầu của họ, giảm từ khoảng một nửa vào năm 2021. Mặc dù GDP Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024, nhưng nhu cầu trong nước yếu kém và lĩnh vực bất động sản trì trệ. Ông Eskelund cho biết, phòng thương mại châu Âu hiện quan tâm ít hơn đến con số GDP mà dành sự chú ý cho các động lực đằng sau nó.
Mỹ và châu Âu trong những tháng gần đây đã cáo buộc Trung Quốc “xâm nhập” thị trường toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ để đối phó với tình trạng dư thừa công nghiệp. Lần đầu tiên trong cuộc khảo sát, một câu hỏi về tình trạng dư thừa năng lực đã được hỏi, và 36% số người được hỏi cho biết, họ đã quan sát thấy tình trạng dư thừa năng lực trong ngành của họ vào năm 2023.
68% số người được hỏi cho biết việc kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn, tỉ lệ cao nhất kể từ khi câu hỏi này được thêm vào năm 2014. Các yếu tố bao gồm các quy tắc và quy định mơ hồ của Trung Quốc, cũng như môi trường pháp lý khó lường.
Hơn một nửa số người được hỏi cũng cho biết, môi trường kinh doanh đã chính trị hóa hơn trong năm qua. Các trở ngại về quy định cả trong và ngoài Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng, bao gồm luật an ninh dữ liệu và an ninh quốc gia của Trung Quốc, các chỉ thị chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu và kiểm soát xuất khẩu tại Mỹ.
Dữ liệu mới nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cho thấy, mức giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu năm, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực thu hút các công ty toàn cầu. Kết quả khảo gần đây cũng cho thấy, triển vọng cho một sự đảo chiều có thể đang mờ dần.
Ông Eskelund chỉ ra rằng, hơn 2/3 số thành viên vẫn xếp hạng Trung Quốc là 1 trong 5 điểm đến hàng đầu. “Do đó, không phải là các công ty đang từ bỏ Trung Quốc... nhưng những gì chúng tôi đang thấy là sự đa dạng hóa đầu tư, và các quốc gia khác đang cải thiện sức hấp dẫn của họ so với thị trường Trung Quốc”, ông nói.
Nhiều lo ngại của phòng thương mại châu Âu cũng được chia sẻ bởi các nhóm kinh doanh nước ngoài khác tại Trung Quốc. Tháng trước, Phòng Thương mại Mỹ cho biết, trong một báo cáo rằng các cải cách kinh tế không đầy đủ đã "làm giảm sự hứng thú và niềm tin về triển vọng của thị trường Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài”.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu