Quay lại

Kết nối trực tuyến Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực máy móc và công cụ nông nghiệp

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội giao lưu tìm kiếm các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ, ngày 21/10/2021, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức chương trình “Kết nối trực tuyến Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực máy móc và công cụ nông nghiệp”. Chương trình nhằm mục đích giới thiệu đến các công ty Ấn Độ về các cơ hội sẵn có tại TP. HCM và Việt Nam, đồng thời tìm hiểu quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực máy móc và thiết bị nông nghiệp.

Chương trình được sự góp mặt tham gia của khoảng 100 đơn vị là các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, hội ngành nghề TP. HCM, các tỉnh thành và các doanh nghiệp từ Ấn Độ. 

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc ITPC, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM và ông D S Balachandra Babu - Chủ tịch Hợp tác quốc tế Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp (AMMA - Ấn Độ).

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh TP.HCM đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa,... mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đây là nền tảng vững chắc giúp mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP. HCM với Ấn Độ phát triển bền vững. Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2021, Ấn Độ có 167 dự án đầu tư tại TP.HCM với tổng vốn hơn 81 triệu USD, đứng thứ 25 trên 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố.

Tại TP.HCM, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học với việc giảm diện tích trồng lúa, mía, diện tích muối hiệu quả thấp để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, thit bò lai, chim yến... gắn với định hướng xây dựng Thành phố trở thành trung tâm giống cây, giống con chất lượng cao của cả nước. Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp, trong hơn một thập kỷ qua, TP.HCM cùng với các địa phương đã tập trung nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông thôn mới; tăng cường sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các loại máy móc và công cụ nông nghiệp sản xuất trong nước chưa được nghiên cứu phát triển đồng bộ ở các khâu từ sản xuất đến chế biến sản phẩm nông nghiệp và đồng điều trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, đặc biệt là ở khâu thu hoạch và bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Việc cơ giới hóa nông nghiệp ở các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn là do quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính; quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác chưa đồng điều.

Mặc dù TP.HCM không có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ với tỷ lệ dưới 1% GRDP nhưng Thành phố là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất và thương mại lớn, trở thành đầu mối thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm- thủy sản đến nhiều thị trường trên thế giới và doanh nghiệp Thành phố cũng là những nhà đầu tư vốn lớn vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu dùng, đặc biệt là tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành lương thực - thực phẩm, đồ gỗ và sản phẩm gỗ đang phát triển rất mạnh tại TP.HCM. Dự báo nhu cầu về máy móc và công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thời gian tới là rất lớn, trong khi trang thiết bị sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên sẽ mở ra cơ hội hợp tác với các nước có nền sản xuất công nghiệp chế tạo máy móc và công cụ nông nghiệp phát triển, trong đó có Ấn Độ.  

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng rộng lớn, có nhiều tiềm năng để các công ty Ấn Độ tìm hiểu cơ hội xuất khẩu và thiết lập quan hệ đối tác. Ông D S Balachandra Babu, Chủ tịch Hoạt động Quốc tế AMMA - Ấn Độ, trong bài trình bày của mình đã giới thiệu tổng quan về thế mạnh và lợi thế của ngành máy móc và công cụ nông nghiệp của Ấn Độ. Ông cũng cho biết thị trường thiết bị nông nghiệp Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 5-8% và máy móc và công cụ nông nghiệp Ấn Độ hiện đã được tiếp xúc rộng rãi với thương mại quốc tế.

Sự kiện mang đến cơ hội tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở cả hai quốc gia trong lĩnh vực máy móc và công cụ nông nghiệp, tăng cường hơn nữa thương mại và đầu tư song phương. Trong khuôn khổ của buổi hội thảo cũng đã có phiên kết nối trực tiếp giữa hai bên doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ với khoảng 10 doanh nghiệp đã tham gia buổi kết nối và đã có những hiệu quả cụ thể từ phía các doanh nghiệp Ấn Độ.