Quay lại

Quan hệ tan băng, thương mại Trung Quốc - Australia bật tăng mạnh

Tờ báo Financial Times dẫn số liệu từ Chính phủ Australia cho thấy tổng kim ngạch thương mại giữa nước này với Trung Quốc đạt 219 tỷ đôla Australia, tương đương 145 tỷ USD, trong năm 2023, mức cao chưa từng thấy và tăng mạnh từ mức 168 tỷ đôla Australia vào năm 2019 - năm trước đại dịch và trước khi Trung Quốc áp thuế quan và các biện pháp trừng phạt lên Australia.  

Tầm quan trọng của quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Australia đã được thể hiện rõ vào cuối tuần vừa rồi, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức 4 ngày tới Australia, bao gồm tới thăm các vùng khai mỏ và sản xuất rượu vang lớn của nước này. Chuyến thăm cho thấy hàng hoá cơ bản của Australia có ý nghĩa lớn như thế nào đối với nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi Canberra thắt chặt quan hệ an ninh với Washington.

Chuyến thăm nói trên của ông Lý Cường là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Australia kể từ chuyến thăm của cố Thủ tướng Lý Khắc Cường vào năm 2017. Chuyến thăm diễn ra sau các cuộc gặp cấp cao song phương, bao gồm chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào cuối năm ngoái và chuyến thăm Australia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào đầu năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh và Canberra tìm cách cải thiện mối quan hệ.

Trong sự phục hồi kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Australia, có đóng góp quan trọng của việc giá quặng sắt tăng mạnh. Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Australia. Ngoài ra, sự phục hồi đó còn đến từ tăng trưởng giá trị dịch vụ, khi du lịch và đi lại giữa hai nước tăng mạnh trở lại sau giai đoạn sụt giảm vì đại dịch và quan hệ song phương xấu đi.

“Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước rất mạnh và đang tăng nhanh, bất chấp những trở lại”, giáo sư Hans Hendrischke của Đại học Sydney nhận định.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ sau khi Bắc Kinh vào năm 2020 áp thuế quan trừng phạt, lệnh trừng phạt và lệnh cấm không chính thức đối với khoảng 20 tỷ đôla Australia hàng hóa của Australia bao gồm than đá, lúa mạch và rượu vang, đồng thời bắt giữ một số công dân Australia.

Trung Quốc đưa ra các biện pháp này để đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng lúc bấy giờ của Australia là ông Scott Morrison về mở một cuộc điều tra công khai về nguồn gốc của Covid-19. Ngoài ra, Australia cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị củaTrung Quốc, bao gồm tập đoàn Huawei, tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G.

Việc ông Albanese trở thành Thủ tướng Australia vào năm 2022 được trở thành chất xúc tác giúp giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Australia trước đó đã vượt qua được các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc nhờ giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt trong thời kỳ đại dịch và nỗ lực đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường khác.

Trong khi đó, quặng sắt và lithium của Australia - những khoáng sản quan trọng cho việc sản xuất pin xe điện và giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược công nghệ mới của Bắc Kinh - tiếp tục được xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp duy trì khả năng phục hồi kinh tế của Australia.

Hiện nay, tôm hùm Australia là mặt hàng xuất khẩu còn lại duy nhất vẫn phải chịu các hạn chế thương mại mà Trung Quốc đưa ra năm 2020. Tuy nhiên, ông Don Farrell - Bộ trưởng Thương mại Australia - vào tuần trước cho biết ông “rất tin tưởng” rằng các rào cản đối tôm hùm sẽ sớm được dỡ bỏ.

Farrell nói thêm rằng, xuất khẩu rượu vang Australia sang Trung Quốc đã đạt 86 triệu đôla Australia trong tháng 4 năm nay, 1 tháng sau khi thuế quan được dỡ bỏ. Ông Farrell cũng lạc quan rằng thương mại giữa hai nước sẽ “phục hồi hoàn toàn”. Australia đã xuất khẩu 1,2 tỷ đôla Australia rượu vang mỗi năm sang Trung Quốc trước khi bị Bắc Kinh áp thuế quan lên mặt hàng này.

Trong chuyến thăm Australia, Thủ tướng Lý Cường cũng thăm cơ sở nghiên cứu năng lượng xanh của công ty Fortescue, đặt tại một vùng ngoại ô của Perth, và một cơ sở tinh luyện lithium hydroxide vận hành bởi công ty Tianqi của Trung Quốc và công ty IGO của Australia. Đây là cơ sở tinh luyện lithium hydroxide lớn nhất ngoài Trung Quốc nhưng đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.

Ông Hendrischke cho rằng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm cơ sở lithium là một “tín hiệu gây sức ép” đối với Chính phủ Australia về tham vọng của nước này trong lĩnh vực khoáng sản. Trong tháng 6 này, Australia đã yêu cầu các quỹ có liên quan đến Trung Quốc cắt giảm đầu tư vào một công ty khai mỏ đất hiếm vì lý do “lợi ích quốc gia”.

“Dù Australia có muốn hay không, họ sẽ phải hợp tác với Trung Quốc về những khoáng sản này. Mỹ sẽ phản đối việc đó, nhưng Mỹ không có công nghệ”, vị giáo sư nhận định.

Nguồn: TBKTVN