Quay lại

IEA: Thế giới sẽ thừa dầu vào năm 2030

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thừa mứa vào cuối thập kỷ này, do nguồn cung dầu tăng mạnh, trong khi nhu cầu dầu tăng chậm lại và quá trình dịch chuyển sang các nguồn năng lượng phát thải thấp được đẩy mạnh.

Trong báo cáo thị trường trung hạn công bố ngày 12/6, IEA - định chế với các thành viên gồm nhiều nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới - dự báo công suất khai thác dầu có thể tăng mạnh trong những năm tới, trở về mức trước đại dịch Covid-19. Công suất khai thác sẽ tăng lên gần 113,8 triệu thùng/ngày vào năm 2030, được thúc đẩy bởi công suất ở Mỹ và châu Mỹ.

Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu dầu được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và bắt đầu giảm vào năm sau đó – xuống còn 105,4 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh các công nghệ năng lượng sách tiếp tục phát triển mạnh.

“Điều này sẽ dẫn tới một mức dư thừa công suất chưa từng thấy trước đây, thậm chí cao hơn cả thời điểm nhiều nước phong tỏa trong đại dịch Covid vào năm 2020”, IEA nhận định trong báo cáo. “Tình trạng dư thừa khổng lồ như vậy sẽ dẫn tới môi trường giá dầu thấp, gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ cũng như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+”.

Theo tổ chức có trụ sở tại Paris, dù sụt tốc tăng trưởng nhưng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2030 vẫn tăng thêm 3,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Sự gia tăng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phổ biến của xe điện, cải thiện về hiệu suất nhiên liệu và việc sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện sẽ dần làm giảm sự gia tăng này.

Tại các nền kinh tế phát triển, IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm từ khoảng 45,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 42,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Không tính giai đoạn đại dịch, lần gần nhất nhu cầu dầu tại các nền kinh tế này ở mức thấp như vậy là vào năm 1991.

Từ nay tới cuối thập kỷ, tăng trưởng công suất khai thác dầu toàn cầu chủ yếu đến từ các nước nằm ngoài liên minh OPEC+, điển hình là Mỹ, Brazil, Canada, Argentina và Guyana. Các quốc gia này được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% mức tăng trưởng dự báo vào năm 2030.

Trong khi đó, công suất của OPEC+ được dự báo tăng 1,4 triệu thùng/ngày từ năm 2023 đến 2030, chủ yếu đến từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iraq. Theo IEA, thị phần toàn cầu của OPEC+ sẽ giảm xuống còn 48,5% trong năm nay – mức thấp nhất kể từ khi liên minh này được thành lập vào năm 2016 – do các biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện.

Tuy nhiên, IEA cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể biến động do các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, quỹ đạo giá dầu và tốc độ đưa xe điện vào sử dụng trên toàn thế giới.

Trong ngắn hạn, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 960.000 thùng/ngày trong năm nay, từ mức dự báo 1,1 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó. Nguyên nhân là nhu cầu yếu tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khiến nhu cầu toàn cầu giảm trong tháng 3/2024.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2025 cũng được hạ xuống còn 1 triệu thùng/ngày, từ mức dự báo 1,2 triệu thùng/ngày mà IEA đưa ra trước đó do xe điện ngày càng phổ biến hơn và hiệu suất sử dụng nhiên liệu tăng lên. Tổng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo đạt mức bình quân 103,2 triệu thùng/ngày năm 2024 và 104,2 triệu thùng vào năm 2025.

Các dự báo của IEA trong báo cáo mới công bố thấp hơn nhiều so với dự báo của OPEC. Khối này dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu là 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,8 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Nguồn: TBKTVN