Quay lại

Những thuận lợi cơ hội và khó khăn thách thức đối với hàng Việt tại thị trường Belarus

Cơ hội - Thuận lợi

Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, Việt Nam – Belarus đã cam kết dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. EAEU cũng là cơ hội để hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Belarus có thể được vận chuyển vào bất cứ nước nào trong Liên minh góp phần gia tăng xuất khẩu. Đến nay, mức ưu đãi thuế quan mà hai bên dành cho nhau cho phép Việt Nam và Belarus tăng khối lượng xuất khẩu sang thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng chủ lực (với Việt Nam là các sản phẩm điện thoại di động và linh kiện, dệt may, da giày, nông, thủy sản; với Belarus là các mặt hàng công nghiệp như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, linh kiện phụ tùng ô tô). 

Các mặt hàng nông sản chính Việt Nam xuất khẩu sang Belarus gồm thủy sản, gạo, sắn, hạt điều, chè. Ngoài ra, các mặt hàng khác đang được tích cực đẩy mạnh xuất khẩu như trái cây nhiệt đới, rau, cà-phê. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Belarus chủ yếu là phân bón.

Trong nhiều thập kỷ qua xe tải ben BELAZ, xe tải MAZ, máy kéo “Belarus” đã được biết đến tại Việt Nam. Đổi lại, người tiêu dùng Belarus đã quen thuộc với các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như lụa, hải sản, chè, cà phê. Thời gian gần đây, sản phẩm vi mạch, thiết bị điện tử của Việt Nam mang thương hiệu “Made in Vietnam” đã được nhiều người biết đến. Nguồn cung cấp trái cây Việt Nam có nhiều tiềm năng ở thị trường Belarus.

Belarus là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra độc lập năm 1991, Belarus được thừa hưởng nhiều cơ sở kinh tế, công nghiệp, quân sự và khoa học của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su.

Hiện tại, Belarus cũng trồng cà phê, nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nhiều nước như Ba Lan, Đức... dưới dạng nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Còn thị trường tiêu dùng, với dân số khoảng 10 triệu người thì không lớn, nhưng Belarus có lợi thế là quốc gia nằm ở trung tâm của châu Âu và có khoảng cách quá gần để tới các nước láng giềng như Latvia, Ukraina, Nga, Ba Lan... Đây là một thị trường mở cho cà phê, trong đó có cà phê Việt Nam.Với khả năng của mình, cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục thị trường Belarus, các nước SNG và thị trường rộng lớn khác ở châu Âu.

Khó khăn –Thách thức

Thủy sản là một trong hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam,  chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Belarus. Tuy nhiên, mới có 55 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (Belarus là một thành viên của Liên minh này). Hiện còn 29 cơ sở đang bị đình chỉ (đã được phép nhưng tạm thời bị cấm để xem xét, xử lý, khắc phục) và gần 100 cơ sở đủ điều kiện nhưng chưa được cấp phép nhập khẩu thủy sản vào Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Belarus hiện nay nằm ở khâu logistics, do phía Belarus không có cảng biển, vận chuyển hàng hóa bằng đường không, đường bộ, đường sắt chi phí còn cao. 

Nguồn: Phòng Thông tin.