Quay lại

Nguy cơ “Việt Nam +1” trong tương lai Trump 2.0

Thuật ngữ “Trung Quốc +1” hay “Đài Loan +1” không còn xa lạ trong giới công nghệ. Điều này đề cập đến việc các doanh nghiệp công nghệ tìm kiếm thêm các địa điểm sản xuất bên ngoài khu vực nhằm hạn chế rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp. Sự chuyển địch này đã mang đến nhiều cơ hội mới cho Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ cũng như Việt Nam. 

Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, một số công ty công nghệ lớn như Google và Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Và Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến sản xuất lý tưởng cho các công ty nhờ nhiều lợi thế. 

Theo Nikkei Asia, với vị trí địa lý thuận lợi gần Trung Quốc và kết nối dễ dàng đến các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước ASEAN, Việt Nam giúp các doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng khu vực mà không phải rời xa hoàn toàn trung tâm sản xuất Trung Quốc. 

Chưa kể, Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các ngành sản xuất. Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng, và Đồng Nai liên tục được mở rộng, thu hút hàng loạt các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, và Intel. Những công ty này không chỉ xây dựng cơ sở sản xuất mà còn tạo ra hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Ngoài ra, việc Việt Nam tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam) và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, bao gồm giảm thuế quan và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, và Canada.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dự đoán sự trở lại của ông Donald Trump với chính sách kinh tế "nước Mỹ trên hết", đang khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ xa hơn về chiến lược sản xuất. 

Xu hướng này, theo ông James Huang, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA), cho biết không chỉ dừng lại ở việc mở rộng tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu xem xét thêm các điểm đến mới như Thái Lan, Malaysia, hoặc Mexico để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ông James Huang nhấn mạnh: "Sau nhiều năm với chiến lược China+1, các công ty công nghệ đang được yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản Việt Nam+1 trong tương lai Trump 2.0".

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã nhận ra tiềm năng của Việt Nam và nhanh chóng mở rộng hoạt động tại đây. Google và Apple đã xây dựng các cơ sở sản xuất lớn, trong khi Samsung đã biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Tờ Nikkei Asia đồng thời cũng đưa tin 37% trong số 35 nhà cung cấp chính của Apple tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này cho thấy sự xâm nhập ngày càng sâu rộng của các công ty Trung Quốc vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Không chỉ có các công ty công nghệ, những tập đoàn sản xuất khác như TCL Technology, một trong những nhà sản xuất TV lớn nhất Trung Quốc, cũng đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2019. Đây là một phần trong chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời cũng phản ánh tiềm năng lớn của Việt Nam trong vai trò trung tâm sản xuất khu vực.

Những diễn biến mới đây từ các doanh nghiệp Đài Loan đã dấy lên dự đoán về xu hướng “Việt Nam +1”, tuy nhiên, chưa có một phân tích chi tiết nào về sự chuyển dịch này. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump sẽ là một tương lai khó đoán trước của Việt Nam và cả Đông Nam Á… 

Nguồn: TBKTVN