Quay lại

Sản xuất thông minh trên nền công nghệ 5G tại Việt Nam

Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 26/12/2024, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng 5G và tự động hóa dựa trên AI là những công nghệ đột phá có tiềm năng to lớn để cách mạng hóa ngành sản xuất. Việc ứng dụng hiệu quả hai công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hiệu quả và đổi mới ở các ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển và Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số của Tổng công ty Viễn thông MobiFone, dẫn khảo sát của VINASA tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TP.HCM với 98 doanh nghiệp, 61% các doanh nghiệp này chưa tự động hóa mà hoàn toàn làm bằng tay, 25% tự động hóa được một phần. Mảng thông minh hóa còn thấp hơn khi 25% doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối hay trang bị công nghệ thông minh trong dây chuyền sản xuất. “Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam tóm lại còn rất nhiều”, ông Huy khẳng định.

NHIỀU CƠ HỘI CHO KHÔNG GIAN KINH TẾ MỚI

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như Cloud, AI, Big Data... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ và trong từng trường hợp để phục vụ rộng khắp lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn xã hội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông khai phá không gian kinh doanh mới.

Ông Khánh dẫn chứng: tại châu Âu, khi thí điểm 5G, kết quả mang lại cho các cảng biển, nhà máy thông minh rất rõ ràng, cải thiện hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm thiểu nhân công, giải quyết các bài toán về môi trường, mang lại lợi ích cho xã hội. Như một nhà máy ôtô ở Tây Ban Nha, nơi ứng dụng 5G vào dây chuyền sản xuất, chứng minh toàn bộ quá trình từ thiết kế mô hình kinh doanh, các bên tham gia... Kết quả là cải thiện chi phí khoảng 10%; phát hiện sớm sai lỗi hàng khoảng 30%; tiết kiệm 10% vật liệu dư thừa; thời gian đáp ứng dịch vụ khách hàng giảm 50%. Họ đạt được cả ba mục tiêu: giảm OPEX, tăng doanh thu, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Khi triển khai công nghệ mạng di động mới, cần quan tâm tới 4 yếu tố gồm mạng lưới, thiết bị đầu cuối, ứng dụng và con người. Mạng lưới viễn thông hiện đã được các doanh nghiệp triển khai. Với thiết bị đầu cuối 5G, phải xem cụ thể ở Việt Nam thiết bị đầu cuối cho 5G là loại nào; dùng cho đối tượng nào; giá cả bao nhiêu?
Các doanh nghiệp viễn thông di động cần nghiên cứu kỹ để triển khai mạng lưới 5G đồng bộ với thiết bị đầu cuối. Điều này cũng giống khi làm đường, nếu có đường nhưng không có ô tô chạy thì rất lãng phí. Ở góc độ doanh nghiệp (nhà mạng) phải triển khai hạ tầng 5G đi kèm với phát triển thiết bị đầu cuối, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực. Việc thương mại hóa phải có bước đi phù hợp, đồng bộ giữa các yếu tố với nhau.
Cách làm là các doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp trọn gói, không phải chỉ phủ sóng mạng lưới mà đưa ra thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển thành doanh nghiệp công nghệ".

“Đây là một cách làm bài bản, có sự tham gia của khoa học, công nghiệp, nhà mạng, không chỉ thuần túy về kết nối nhanh hơn, độ trễ thấp hơn mà ứng dụng đầy đủ công nghệ như 5G, Edge Computing, AI...”, ông Khánh cho biết. Đồng thời, ông Khánh và cho rằng nền sản xuất của Việt Nam chưa cao nhưng tùy từng ngành, lĩnh vực, ở cấp độ cao hẳn, dây chuyền đã sẵn sàng, do vậy khi doanh nghiệp thay đổi hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, các công nghệ mới nổi như 5G chắc chắn sẽ được đưa vào ngay.

Viettel là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ thương mại 5G tại Việt Nam. Tại thời điểm khai trương vào giữa tháng 10/2024, nhà mạng này có hơn 6.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.

Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết đến thời điểm hiện tại Viettel có khoảng 10 triệu thuê bao có thiết bị đầu cuối 5G, trên tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng mạng di động của Viettel. Điều này có nghĩa là còn khoảng 6 triệu thuê bao Viettel đã sẵn sàng sử dụng 5G. Thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục mở rộng để phục vụ khách hàng, đó là với mảng khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, đại diện Viettel cho biết nhà mạng này ưu tiên cho những đơn vị đang có nhu cầu sử dụng mạng 5G như khu công nghiệp, sân bay, bến cảng... “Giống như các mô hình trên thế giới, hạ tầng 5G cần được tạo dựng trước để đón đầu xu hướng, nhu cầu”, ông Tân khẳng định.

Viettel hiện đã xây dựng hai phòng thí nghiệm (lab) tại Hà Nội và TP HCM. Tất cả các công nghệ Non-SA, SA, các tần số băng 2.600 MHz, những máy móc đo kiểm đảm bảo công suất phát không bị nhiễu đều có tại hai lab này, đây là nơi nhà mạng tạo ra giúp các doanh nghiệp có môi trường để phát triển ứng dụng 5G phù hợp với Việt Nam.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

"Các nhà mạng từ trước đến nay chủ yếu cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập cho thị trường toàn quốc, công cộng. Tuy nhiên, khi triển khai ứng dụng mạng 5G, đặt ra yêu cầu cao về cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế, nhà mạng không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác để nắm được các chính sách liên quan đến những lĩnh vực ngành nghề khác. Khi biết được chính sách, biết được nhu cầu thị trường, thì doanh nghiệp sẽ có giải pháp tốt hơn cho các dịch vụ của mình.
Ví dụ, với khu công nghiệp, nhà mạng phải tìm hiểu rõ nhu cầu không dây thế nào, cần thay đổi, mở rộng các dây chuyền sản xuất ra sao… Bắt buộc phải hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với các doanh nghiệp giải pháp công nghệ, phần mềm, từ đó mới phát triển tốt trên các thị trường ngách.
Với 5G, với việc đã đấu giá, đã triển khai, đã có những đầu tư nhất định, chúng tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp viễn thông tăng cường tìm hiểu chính sách của các ngành nghề, tìm hiểu nhu cầu thực tế, chẳng hạn các hầm lò có cần đến mạng 5G không? Tiếp đó, khi đưa tự động hóa vào thì có giải quyết tận cùng vấn đề lao động dôi dư hay không? Nếu chúng ta đào tạo nghề mới có lương cao hơn cho người lao động thì cũng chính là chúng ta góp phần vào việc giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam".

Đại diện cả ba nhà mạng MobiFone, Viettel, Vinaphone đều khẳng định cần thời gian để educate thị trường (tiếp thị giáo dục) các nhà phát triển ứng dụng để dần dần từng bước đưa ra các giải pháp, ứng dụng 5G.

Nhà máy thông minh sử dụng công nghệ 5G tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, theo ông Lê Bá Tân, mới chỉ ở giai đoạn “phôi thai” với một số doanh nghiệp FDI như Formosa và một số nhà máy đang sử dụng mạng 5G.

Viettel hiện đang có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm việc với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel để kết hợp trong việc thử nghiệm, làm sao ra được các giải pháp số cung cấp cho doanh nghiệp. Nhà mạng này cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp ứng dụng để bắt đầu nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng dụng mạng 5G, bao gồm cả mạng dùng riêng Private 5G. Mạng Private 5G mới hơn hẳn so với mạng 4G, phục vụ các cụm doanh nghiệp, nhà máy, khu thương mại.

Dưới góc độ là đơn vị trực tiếp triển khai các giải pháp trong khu công nghiệp, ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp tự động hóa Công ty Cổ phần TNtech, cho biết từ nhu cầu thực tế trong quá trình triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cho các khu công nghiệp, nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, khu công nghiệp thông minh rất lớn. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi của người tiêu dùng, xã hội về việc phát triển bền vững, các vấn đề sản xuất thông minh, quản lý điều hành khu công nghiệp thông minh mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp, xã hội, ưu tiên công tác quản trị cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Sản xuất thông minh trên nền công nghệ 5G tại Việt Nam - Ảnh 1

Ông Thắng dẫn chứng: theo khảo sát của một đơn vị lớn, việc sử dụng công nghệ thông minh sẽ giảm lượng khí thải carbon từ 5 đến 15%, là lợi thế lớn trong triển khai giải pháp thông minh trong công tác quản trị, điều hành. Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp luôn có nhu cầu áp dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý vận hành tối ưu. Một nhu cầu cấp thiết là tiết giảm chi phí. Ngoài ra, về mặt thị trường, doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi áp dụng các giải pháp liên quan đến khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, đây sẽ là những lợi ích lớn.

Các hệ thống IoT trong cảng biển, quản lý vận hành khu công nghiệp, theo ông Thắng, nhu cầu sử dụng thực tế cũng rất lớn. Một xu thế là chia sẻ dữ liệu liên tục giữa các hệ thống sản xuất trong nhà máy rất cấp thiết. Khi áp dụng điện toán, IoT, dữ liệu được thu thập và quản lý tập trung, sau đó dùng công nghệ như Big Data để phân tích, dự báo vấn đề liên quan đến bảo trì; tối ưu quy trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; đưa ra quyết định chính xác hơn trong quản lý điều hành của nhà máy trong khu công nghiệp.

NHIỀU THÁCH THỨC PHẢI ĐỐI MẶT

5G cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, triển khai 5G thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cụ thể, kinh doanh B2C khi áp dụng 5G sẽ được hưởng chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ, dung lượng nhưng khách hàng chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát toàn cầu cho thấy sự chi trả không gia tăng nhiều, doanh thu đem lại còn khiêm tốn, khoảng 2-3% là khả quan. Khách hàng B2B cũng thấy giá trị và lợi ích khi lên 5G.

Thách thức lớn nhất là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. Những điều này là thách thức rất lớn trong việc quyết định và triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số (Tổng công ty Viễn thông MobiFone).

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số (Tổng công ty Viễn thông MobiFone).

"Một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển 5G, chẳng hạn Hàn Quốc bỏ ra 1,96 tỷ USD để đầu tư cho các mô hình điển hình và viện nghiên cứu, trường đại học có hẳn một chính sách quốc gia về dùng 5G làm chất xúc tác phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng có “chính sách cánh buồm” để thúc đẩy 5G với hàng loạt chính sách để hỗ trợ như ưu đãi thuế, miễn phí tần số.
Việt Nam không được như vậy nên doanh nghiệp trong nước phải tự bươn chải. Nhà mạng đầu tư rất lớn nhưng chưa nhìn thấy đầu ra. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn".

Ông Khánh phân tích: về mặt thị trường, dung lượng, khách hàng không nhiều, nhà máy tầm trung bị phân mảnh, do đó triển khai nhà máy thông minh sử dụng nền tảng công nghệ 5G có thành công hay không còn do khách hàng doanh nghiệp có muốn thay đổi dây chuyền sản xuất, cấu trúc hay không. Việc đầu tư cũng là một vấn đề vì công nghệ sẽ tích hợp sâu vào phương tiện sản xuất kinh doanh. Nhà mạng sẽ tham gia đồng hành ở góc độ cung cấp hạ tầng, nền tảng căn bản. Do vậy, các bên phải vào cuộc sớm thì từng ngành, lĩnh vực mới có hiệu quả.

Theo ông Vũ Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone, nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất thấp. 5G chỉ là chất xúc tác, công nghệ kết nối, còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số. Để làm điều đó thì phải có sự đầu tư. Ông đặt câu hỏi: “Liệu cảng có sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án chuyển đổi số như vậy không? Vai trò của các nhà mạng như thế nào? Không có chuyện cảng tự bỏ tiền để hiện đại hóa cả cảng đó khi mà một cái cần cẩu thông minh giá đã cả triệu USD, xe tự lái trong cảng cũng 200.000 USD. Ai sẽ bỏ tiền? Các quỹ có mạo hiểm để đầu tư hay không?”.

Ông Hồ Anh Thắng cũng thừa nhận 5G mang lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp áp dụng nhưng có những thách thức như việc triển khai hạ tầng 5G chi phí lớn, các doanh nghiệp yêu cầu chi phí đầu tư hợp lý, nếu không sẽ đội chi phí sản xuất lên cao. Do vậy, đưa ra gói thuê bao hợp lý là việc nhà mạng cần cân nhắc. Ví dụ, một khu công nghiệp hiện tại đã cũ và cần cải tạo, lắp đặt lại hệ thống cáp quang cho hệ thống camera rất khó, mất thời gian. Một số điểm sử dụng 4G để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành, áp dụng công nghệ AI nhưng phí thuê bao hàng tháng lớn, một năm có thể bằng chi phí đầu tư cáp quang. Do vậy các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông).

"Triển khai 5G ở Việt Nam bây giờ là thời điểm phù hợp, không quá sớm nhưng không muộn. Chúng ta kỳ vọng vào 5G rất nhiều khi ITU công bố tiêu chuẩn và khi thương mại hóa chính thức năm 2019. Theo truyền thông, 5G là công nghệ di động phát triển nhanh nhất thế giới tính đến bây giờ.

Sau 5 năm tăng trưởng bứt phá về số lượng thuê bao trên toàn cầu, 5G đang có hiện tượng chững lại. Cái người ta kỳ vọng vào 5G không phải chỉ là tốc độ cao, độ trễ thấp vì không mang về lợi ích lớn so với 4G, đặc biệt đối với doanh nghiệp, mà là IoT, hệ thống mạng riêng (private network) của doanh nghiệp, B2B".

Từ thực tế triển khai từ dự án 5G Private Mobie Network (5G PMN) cho nhà máy thông minh Pegatron tại Hải Phòng (nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam vận hành thử nghiệm thành công bằng mạng riêng 5G do Viettel cung cấp), ông Lê Bá Tân cho rằng có hai góc độ để tạo ra sản phẩm, giải pháp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức.

Thứ nhất, chi phí đầu tư cho một khu vực, một khu công nghiệp sẽ tăng lên. Thay vì chỉ có sóng 5G Public cho tất cả mọi người, thì lại thêm một phần hạ tầng nữa dùng riêng. Khách hàng muốn có mạng dùng riêng 5G Private hiện tại sẽ phải chịu thêm phần chi phí.

Thứ hai, về phía nhà mạng, phải triển khai các giải pháp vô tuyến, truyền dẫn, mạng lõi. Những kiến trúc đắt tiền nhất (tức là khu doanh nghiệp đó có mạng 5G riêng biệt của họ, chạy nội bộ bên trong nhà máy) và có những cơ chế lai ghép khác để giảm giá thành thì sẽ rẻ hơn...

Nguồn: TBKTVN