“Thành phố iPhone” của Trung Quốc chuyển dịch sang xe điện
Thành phố Trịnh Châu (Trung Quốc), trung tâm sản xuất iPhone hàng đầu thế giới, đang chứng kiến sự chuyển đổi công nghiệp lớn khi BYD và các nhà sản xuất ô tô khác xây dựng chuỗi cung ứng xe điện tại đây, trong khi Apple bắt đầu chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại sang Ấn Độ.
Hồi cuối tháng 10, nhà máy BYD ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, trở nên nhộn nhịp hơn khi hàng loạt chiếc xe điện mới được đưa lên xe kéo và xuất xưởng liên tục. Các nhân viên đeo băng tay “nhân viên mới” xuất hiện khắp nơi trong khuôn viên nhà máy.
Nhà máy này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2023. Hiện BYD sản xuất các dòng xe năng lượng mới, bao gồm mẫu SUV Song Pro, sedan Sea Lion 07 và các dòng hybrid, với tốc độ hơn một chiếc mỗi phút, theo công ty cho biết. Năm 2023, BYD đã sản xuất 200.000 xe tại nhà máy này và đặt mục tiêu gấp đôi con số đó trong năm nay. Một nhà máy sản xuất pin ô tô cũng đang được xây dựng trên khu đất liền kề.
Nhiều công ty khác cũng đầu tư vào xe năng lượng mới tại Trịnh Châu. Tập đoàn ô tô nhà nước SAIC đã đầu tư 2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 277 triệu USD) để xây dựng nhà máy pin mới, đi vào hoạt động từ tháng 10. Theo một lãnh đạo SAIC, Trịnh Châu sẽ trở thành "cơ sở sản xuất và xuất khẩu xe năng lượng mới".
Sự bùng nổ của ngành xe năng lượng mới ở Trịnh Châu được thúc đẩy bởi chính quyền thành phố và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông An Vĩ, Bí thư Đảng ủy thành phố, năm 2022 đã tuyên bố sẽ biến Trịnh Châu thành trung tâm sản xuất xe năng lượng mới lớn nhất cả nước. Các chính sách như trợ cấp nghiên cứu và phát triển cùng với các ưu đãi dựa trên doanh số bán hàng đã được triển khai, nhằm tích lũy các công nghệ về pin, động cơ và lái tự động.
Nhà máy của BYD đã đưa sản lượng xe năng lượng mới của Trịnh Châu năm 2023 lên khoảng 320.000 chiếc, tăng gấp ba lần so với năm trước. Thị trưởng Trịnh Châu, ông Hà Hùng, đặt mục tiêu sản xuất hơn 1,5 triệu xe năng lượng mới vào năm 2025 và 60% linh kiện sẽ được cung ứng từ nội địa.
Kinh tế Trịnh Châu trước đây phụ thuộc vào việc lắp ráp iPhone nhờ nhà máy Foxconn, công ty Đài Loan lắp ráp khoảng 60% số iPhone trên thế giới, đặt nhà máy lớn nhất tại đây từ năm 2010. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê Trịnh Châu, sản lượng điện thoại di động năm 2023 chỉ đạt khoảng 140 triệu chiếc, bằng một nửa so với đỉnh điểm năm 2017. Apple đã bắt đầu chuyển sản xuất iPhone sang Ấn Độ và các nước khác để đối phó với rủi ro địa chính trị leo thang.
Tỉ lệ iPhone sản xuất tại Ấn Độ hiện chiếm khoảng 10%, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 25% trong vài năm tới, theo báo chí Trung Quốc. Foxconn, hay còn gọi là Hon Hai Precision Industry, đã công bố kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ, và công ty Tata Electronics, một công ty con của tập đoàn Tata, cũng đang mở rộng sản xuất theo hợp đồng.
Một yếu tố khác là doanh số iPhone sụt giảm. Nhà phân tích Kuo Ming-Chi từ TF International Securities Trung Quốc cho biết tháng trước Apple đã giảm gần 10 triệu chiếc trong đơn đặt hàng iPhone 16 dự kiến từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2025 so với kế hoạch ban đầu.
Ở thời điểm đỉnh cao, nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu từng có khoảng 350.000 người. Thế nhưng, con số hiện đã giảm xuống vài chục ngàn do tự động hóa, theo một công ty tuyển dụng địa phương. Khoảng một nửa trong số 130 nhà hàng phục vụ công nhân Foxconn gần nhà máy đã đóng cửa. "Doanh thu chỉ còn một phần ba so với đỉnh điểm từ năm 2015 đến 2017", quản lý một nhà hàng cho biết.
Khoảng một nửa trong số 130 nhà hàng phục vụ công nhân Foxconn gần nhà máy đã đóng cửa. Ảnh: Nikkei Asia. |
Việc lắp ráp iPhone từng là trụ cột kinh tế của không chỉ Trịnh Châu mà còn cả tỉnh Hà Nam. Từ 2015 đến 2017, điện thoại di động chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, nhưng đến năm 2023 con số này giảm xuống 46%.
Việc phát triển một ngành công nghiệp tăng trưởng mới trở nên cần thiết. Tháng 2 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu: "Chúng tôi kỳ vọng Trịnh Châu trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của tỉnh".
Trường hợp của Trịnh Châu phản ánh “sự củng cố dần dần của các cơ sở sản xuất và hệ thống phát triển, vượt xa việc gia công đơn giản”, theo ông Isei Ito, Phó Giáo sư Kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội, Đại học Tokyo và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc. Ông Ito nhận định nếu chuỗi cung ứng của các công ty địa phương phát triển, điều đó có nghĩa là nền tảng công nghiệp của Trung Quốc mạnh hơn.
Nguồn Nikkei Asia