Quay lại

TP.HCM phấn đấu giải ngân đầu tư công quý 1/2024 đạt 12-15%

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện năm 2024 TP.HCM vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu quyết tâm phấn đấu giải ngân đầu tư công thành phố trong quý 1/2024 đạt 12-15%.

PHẤN ĐẤU GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG QUÝ 1/2024 ÍT NHẤT ĐẠT 12%
Năm 2023, thành phố được số vốn rất lớn, trên 68.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng vốn đầu tư công cả nước. Tính đến 12/1/2024, toàn Thành phố giải ngân được 45.866 tỷ đồng, chiếm 67%.

"Tuy tỉ lệ chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cao hơn 1,7 lần con số tuyệt đối so với kết quả giải ngân đầu tư công năm 2022", Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

Theo ông Mãi, để đạt được kết quả nêu trên, có các đơn vị đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 21 đơn vị tỉ lệ giải ngân trên 90%, trong đó có 16 đơn vị trên 95%. Khối sở, ngành có 20 đơn vị tỉ lệ giải ngân trên 90%, 12 đơn vị có tỉ lệ 80-90%.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Vũ Phong

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Vũ Phong

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều đơn vị tỉ lệ giải ngân thấp, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện.

Theo thống kê quý 1 của 3 năm qua thì tỉ lệ giải ngân thấp dần từng năm. Năm 2023, trong quý 1 thành phố chỉ giải ngân 1.600 tỷ đồng/68.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh thành phố quyết tâm quý 1/2024 giải ngân ít nhất bằng quý 1/2021 là 12%, phấn đấu 12-15% (tổng số vốn đầu tư công được giao năm 2024 là 79.263 tỉ đồng, trong đó vốn địa phương được giao hơn 75.000 tỷ đồng)

Nói về các vấn đề tồn tại trong công tác này, ông Mãi cho biết, trong năm 2022, 2023, có nhiều dự án được giao chuẩn bị đầu tư tại Quyết định 3236 năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án.

Vì vậy, ông Mãi đề nghị hội nghị bàn sâu về vấn đề thủ tục đầu tư, cần điều chỉnh hay thay đổi gì để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư vì công tác này tốn nhiều thời gian.

Ngoài ra, vừa qua trong rà soát, còn nhiều dự án dự kiến sẽ triển khai thu hồi đất và giải phòng mặt bằng trong năm, tuy nhiên lại không được đưa vào danh mục các dự án thu hồi đất để trình HĐND thành phố. Một số dự án phải làm nhanh để chuẩn bị khởi công trước 30/4/2025 nhưng trong tờ trình xin thu hồi đất của năm 2024 chuẩn bị để chuẩn bị trình HĐND lại không có, như vậy sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan địa phương chưa được đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đặt vấn đề xử lý các nhà thầu yếu kém năng lực, chây ì, vi phạm hợp đồng. Thời gian qua, tình trạng này diễn ra tại các dự án của Thành phố, trong đó có cả dự án ODA (vốn nước ngoài) và cả dự án đầu vốn đầu tư công.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị nêu khó khăn, vướng mắc trong thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và việc xác định giá đất bồi thường tiệm cận với giá thị trường. Điều này nhằm tạo sự đồng thuận cao cho người dân, đặc biệt đối với đất xen cài trong đất nông nghiệp.

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI DẦN CẢI THIỆN QUA TỪNG THÁNG, QUÝ
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 năm 2024, bà Lê Thiện Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết thành phố đặt yêu cầu nâng tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5-8% (tăng 1,2-1,3 lần so với năm 2023).

Theo đó, để đạt được mục tiêu tỉ lệ giải ngân phải đạt ít nhất từ 95% trở lên đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được Trung ương giao 79.263 tỷ đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng đã đề xuất các giải pháp thực hiện.

Trong đó, cần tổ chức quán triệt nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư; của thủ trưởng các sở, ngành liên quan, chủ tịch UBND các địa phương;…

Đồng thời, bám sát, giám sát định kỳ, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các đơn vị đã lập ra, đánh giá cụ thể tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo từng tuần, tháng.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật bằng việc nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong việc vận động, thuyết phục người dân và hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc xong dự án;…

Theo bà Mai, trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thành phố dần được cải thiện qua từng tháng, từng quý. Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt được hơn 1, 6 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành. Tốc độ tăng GRDP tăng đều qua từng quý từ 0,7% (quý 1) lên 9,62% (quý 4), cả năm đạt 5,81%, đưa Thành phố trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ nhất vùng Đông Nam Bộ.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, kết thúc năm 2023, thành phố đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 và chiếm khoảng 16% vốn của 63 tỉnh, thành phố cả nước (36,6 tỷ USD). Đây là một điểm sáng của môi trường đầu tư thành phố, khẳng định việc thực thi các cam kết của lãnh đạo thành phố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục đạt được kết quả khích lệ. Thành phố có hơn 53.000 doanh nghiệp được thành lập mới (53.164), tăng 16,7% so năm 2022, đóng góp khoảng 1/3 (33,4%) doanh nghiệp mới của cả nước. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp thành lập mới thành phố vượt con số hơn 50.000.

Tính tổng số doanh nghiệp gia nhập mới, tái gia nhập thị trường, thành phố đạt mốc kỷ lục hơn 66.000 (66.239) doanh nghiệp, tăng 11,6% so với năm 2022 và gấp 2 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường của năm 2023, chiếm hơn 30% con số này của cả nước (217.700).

Về các dự án đầu tư tư nhân có sử dụng đất, thành phố đã chấp thuận 08 dự án cấp mới chủ trương đầu tư (với tổng vốn đầu tư là 4.482,77 tỷ đồng, bằng 751,73 % so với cùng kỳ năm 2022), điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án….góp phần cho con số đầu tư vốn đầu tư xã hội của thành phố đạt gần 23% trong cơ cấu GRDP.

Nguồn: TBKTVN