Quay lại

TP.HCM: Đề xuất giải pháp khả thi, tạo chuyển biến trong 3 tháng cuối năm Vân Nguyễn -

Sáng 10/10, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 23 mở rộng.

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG, DỰ BÁO THÁCH THỨC
Hội nghị lần thứ 23 mở rộng nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm. 

Đồng thời, sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU năm 2021 của Thành ủy TP.HCM về kế hoạch tổng thể phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9/2021.

Phát biểu định hướng thảo luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023, từ sau Hội nghị Thành ủy lần thứ 21 ngày 8/7/2023 đến nay, toàn hệ thống chính trị thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, thành phố đã tập trung quán triệt, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 31, Nghị quyết số 24 và Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 98 của Quốc hội cùng với các nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra.

Về tăng trưởng kinh tế GRDP, quý sau đã tăng cao hơn quý trước, quý 1 tăng 0,7%, quý 2 đạt 5,87 % và quý 3 là 6,71 %; cộng chung 9 tháng tăng hơn 4,57 %.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với thực hiện chủ đề năm đạt nhiều kết quả tích cực; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nhận định, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp như thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, xuất khẩu và còn nhiều vướng mắc, tồn đọng cũng như những phát sinh mới, tháo gỡ chưa kịp thời. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được những khó khăn, thử thách.

Từ đó, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề nghị Hội nghị nghiên cứu và tập trung thảo luận, đánh giá xác đáng những mặt làm được, những mặt chưa được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của tình hình trên.

Song song đó, dự báo những khó khăn, thử thách, những rủi ro sẽ phải đối mặt trong thời gian tới và quan trọng là đề xuất những giải pháp cụ thể, đủ mạnh, khả thi để tạo một chuyển biến tình hình và đạt kết quả 3 tháng cuối năm.

Riêng đối với đầu tư công, Hội nghị sẽ thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề trong tháng 10 để bàn sâu hơn về nội dung này.

Liên quan đến Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM về Kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau ngày 15/9/2021, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy TP.HCM đã sơ kết đánh giá 1 năm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm. Thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện đối với 3 chủ đề quan trọng, đó là y tế, phục hồi kinh tế và vấn đề xã hội.

7 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Tại Hội nghị lần này, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu chú trọng đánh giá tình hình những tác động có liên quan đến kinh tế - xã hội của Thành phố đối với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, việc ban hành chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Hai là, ổn định thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, khẩn trương tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tập trung giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.

Bốn là, đẩy mạnh thực chất chuyển đổi số, kinh tế số.

Năm là, thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, nhanh chóng bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Bảy là, quan tâm chỉnh trang đô thị gắn với phục dựng, hoàn thiện các công trình di tích văn hóa lịch sử đi đôi với đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Nguồn: TBKTVN