Quay lại

Sắp vào mùa cao điểm du lịch quốc tế, thế giới đánh giá ra sao về điểm đến Việt Nam?

Sức hút của du lịch Việt gần đây thể hiện qua số lượng khách quốc tế đến trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn 1,038 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế.

Như vậy, tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023 (đón 8 triệu du khách quốc tế). Mới đây, Cục du lịch quốc gia Việt Nam dự đoán con số này có thể tăng lên 10 triệu lượt khách.

Do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Hiện tại, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng qua với gần 1,9 triệu lượt, chiếm gần 1/3 lượng khách. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445.000 lượt. Về động lực tăng trưởng trong tháng 7, Cục Du lịch quốc gia đánh giá châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục, tăng 27% so với tháng 6. Trong đó có sự đóng góp của thị trường chính như Pháp tăng 35,9% hay Anh tăng 14,5%.

Trong lúc du khách đang rục rịch lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ và tìm kiếm thông tin điểm đến, trang DW News của Đức ca ngợi Việt Nam là điểm đến được yêu thích trong khu vực, với tốc độ phát triển nhanh, nhờ cảnh quan đa dạng, từ bãi biển, ruộng bậc thang vùng núi, đến các thành phố nhộn nhịp có đủ loại hình dịch vụ. Trang DW nhận định sức bật của du lịch Việt cũng đến từ chính sách thị thực được nới lỏng. Du khách từ một số quốc gia sẽ được tăng thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày từ 15/8 tới đây.

Tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt.

Tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt.

Gary Bowerman, nhà phân tích du lịch có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, cho biết những thay đổi về thị thực sẽ thúc đẩy ngành du lịch. "Trong tương lai, mức tăng này sẽ rất mạnh mẽ", ông Bowerman nói. “Du khách đến Việt Nam không chỉ để tìm kiếm một kỳ nghỉ. Đây cũng là điểm dừng tạo nhiều cơ hội phát triển kinh doanh cho nhóm du khách trẻ”.

Tuy nhiên, trang DW cũng đặt bàn cân du lịch Việt và Thái Lan và nhận định sự chênh lệch về lượng khách quốc tế dự kiến. Thái Lan đang đặt mục tiêu trở lại mức của năm 2019, đón lượng khách quốc tế kỷ lục 39 triệu lượt. Nước này đang có lượng du khách ghé thăm lớn nhất, các chỉ số đang tăng trưởng đều và không có dấu hiệu chững lại. "Trước đại dịch, Việt Nam không được coi là một đối thủ của Thái Lan. Tuy nhiên, nếu phát triển với tốc độ hiện tại, đây thực sự là một điểm nóng du lịch mới của Đông Nam Á,", ông Bowerman nhận định.

Tương tự, chuyên trang du lịch Travel Off Path có trụ sở tại Mỹ cũng nhận định Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm du lịch mới của châu Á sau khi điều chỉnh chính sách thị thực. Website du lịch nổi tiếng lý giải Việt Nam sẽ thành điểm du lịch hút khách bởi 3 lợi thế: từ thay đổi chính sách về thị thực cởi mở hơn, vẻ đẹp tự nhiên đang được bảo tồn tốt và cho đến định hướng tập trung phát triển du lịch.

Việc Việt Nam kéo dài hiệu lực của thị thực điện tử (e-Visa) lên 90 ngày sẽ thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Việc Việt Nam kéo dài hiệu lực của thị thực điện tử (e-Visa) lên 90 ngày sẽ thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam.

“Khi khách du lịch nghĩ đến Đông Nam Á, Thái Lan thường là điểm đến đầu tiên xuất hiện trong đầu họ. Nhưng nếu bạn muốn tránh đám đông du khách ở Thái Lan, Việt Nam chính là một điểm mới nổi trong khu vực đủ hấp dẫn để khám phá”, chuyên trang giới thiệu. Trang tin cũng khen ngợi vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam và chi phí thân thiện với ngân sách của khách du lịch.

“Việt Nam được coi là một trong những nước tốt nhất trong khu vực xét về chi phí du lịch. Từ nơi lưu trú, thực phẩm cho đến phương tiện đi lại ở Việt Nam đều rẻ hơn ở Thái Lan, đặc biệt nếu bạn đi du lịch đến các vùng nông thôn”, chuyên trang viết và cho rằng thời điểm này hoàn hảo để khám phá Việt Nam.

Trong khi đó, từ chính “đối thủ” Thái Lan, trang web Thai PBS World vừa đăng bài viết nhận định việc Việt Nam kéo dài hiệu lực của thị thực điện tử (e-Visa) lên 90 ngày sẽ thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam. Tờ báo của Đài Phát thanh-Truyền hình Công cộng Thái Lan cho hay bắt đầu từ ngày 15/8, du khách có thị thực này có thể ra vào Việt Nam không giới hạn số lần trong vòng 90 ngày mà không cần xin cấp thị thực mới. Nhờ chính sách mới này, du khách nước ngoài có thể ở lại Việt Nam lâu hơn, thưởng thức nhiều dịch vụ hơn.

Trước đó, hồi đầu tháng Bảy, tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust của Anh đã đưa 3 di sản UNESCO của Việt Nam gồm Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào danh sách các di sản đáng ghé thăm nhất Đông Nam Á. Tạp chí The Travel của Canada thì liệt kê 10 điểm đến tuyệt vời nhất tại châu Á, trong đó Việt Nam xếp vị trí thứ 5 và được đánh giá là một trong những quốc gia thanh bình nhất thế giới. Tạp chí Canada nhận định không có nơi nào cung cấp đầy đủ mọi thứ du khách cần như Việt Nam, với những món ăn nổi tiếng thế giới, người dân thân thiện, mến khách. Các cơ sở lưu trú có giá cả phải chăng, đi kèm chất lượng dịch vụ tốt...

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thanh bình nhất thế giới.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thanh bình nhất thế giới.

Về phía Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia khẳng định những chính sách mới mang tính đột phá sẽ góp phần tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh cộng hưởng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch tin tưởng sẽ thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ bắt đầu trong 2 tháng tới.

Theo số liệu từ nền tảng du lịch Agoda, số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế  tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi Quốc hội thông qua. Số lượt quan tâm đến chính sách đổi mới cấp thị thực điện tử của Việt Nam này hiện vẫn đang có xu hướng tăng lên. Dẫn đầu mức tăng về số lượt tìm kiếm nơi lưu trú là của du khách đến từ Pháp, tăng 72% so với 2 tuần trước đó. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hà Lan, New Zealand, Đức, Hoa Kỳ... cũng ghi nhận mức tăng từ 38 - 45% về lượt quan tâm du lịch đến Việt Nam.

Nguồn: TBKTVN