Quay lại

Quan hệ đối tác mới Việt Nam - Phần Lan

Quan hệ đối tác mới

Để tạo điều kiện chuyển đổi từ hợp tác phát triển dựa trên viện trợ không hoàn lại sang tăng cường thương mại và các hình thức hợp tác cùng có lợi khác ở Việt Nam, một số chương trình, công cụ và nền tảng mới đã được giới thiệu, bao gồm Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) 2009 - 2018.

Với vai trò là một trong những chương trình trọng điểm về hợp tác giữa Phần Lan với Việt Nam, hai giai đoạn của IPP đã giới thiệu các nền tảng hợp tác. Theo báo cáo “Quá trình chuyển đổi quan hệ hợp tác Phần Lan - Việt Nam 2008-2020”, cơ sở mà IPP góp phần xây dựng đã được chứng minh là cần có để chuyển đổi sang các hình thức hợp tác mới.

Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo quốc gia. Với nhiều kết quả có tiếng vang, các tác động của chương trình được duy trì, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh mới trên nền tảng vững chắc là lòng tin, tri thức mới, kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ cao và đặc biệt là quan hệ đối tác hiệu quả, với sự tham gia của các chủ thể khác nhau của hai nước.

Góp phần phát triển kinh tế Việt Nam

Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 3,5 lần trong 15 năm qua, đạt 337,5 triệu USD.

Việc giảm thuế nhờ EVFTA đã mở ra cơ hội mới về xuất khẩu thực phẩm sang Việt Nam. Mới đây, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nghiệp Phần Lan Antti Kurvinen đã góp phần thúc đẩy giao thương các mặt hàng nông sản thực phẩm, chuyển giao công nghệ trong ngành lâm nghiệp và ngành nước giữa hai quốc gia.

Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan đã có những bước tăng trưởng ấn tượng.

 

Việt Nam đã khởi động Chương trình Chuyển đổi số quốc gia từ năm 2020 với mục tiêu trở thành xã hội kỹ thuật số vào năm 2030. Các công ty Phần Lan hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ 5G, an ninh mạng, Internet vạn vật (IoT), logistics và công nghệ giáo dục có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về một ngành công nghệ thông tin tiên tiến với nhu cầu số hóa cao.

Do vị trí địa lý và nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp và xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Khi Việt Nam cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách tăng cường năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than, thì các giải pháp khí hậu xanh và thông minh từ Phần Lan trở thành chìa khóa mở ra tiềm năng cho Việt Nam có thể bắt kịp viễn cảnh phát triển bền vững toàn cầu và giải quyết những thách thức về khí hậu trong tương lai.

Phần Lan hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Các giải pháp thay thế như xử lý chất thải, chất thải thành năng lượng, tiết kiệm năng lượng và công nghệ kinh tế tuần hoàn cũng là những lĩnh vực mà Phần Lan có thể cung cấp chuyên môn hàng đầu thế giới cho Việt Nam.

Trong khi đó, giáo dục của Phần Lan đã trở thành điểm nhấn đối với thị trường Việt Nam với nền giáo dục chất lượng cao xuyên suốt từ cấp cơ sở đến giáo dục đại học. Phần Lan tiếp tục hỗ trợ người Việt Nam theo đuổi học tập và sự nghiệp tại Phần Lan. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên trong chương trình của Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan nhằm khuyến khích sự dịch chuyển lao động, sinh viên và chuyên gia lành nghề đến Phần Lan. Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, các tổ chức giáo dục Phần Lan đã hoạt động tích cực tại Việt Nam và triển vọng về công nghệ giáo dục tại Việt Nam trong tương lai là rất hứa hẹn.

Phát triển bền vững

Sức mạnh của các doanh nghiệp Phần Lan không chỉ nằm ở khả năng cung cấp các giải pháp công nghệ sáng tạo mạnh mẽ trên toàn cầu, mà còn ở sự tiên phong về hiệu quả kinh tế và định hướng bền vững. Tính bền vững và phúc lợi là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và các giải pháp bền vững tạo ra các cơ hội thị trường mới nổi như Việt Nam.

Các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng phổ biến trên thế giới và các công ty Phần Lan luôn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh của họ trong một môi trường lành mạnh và bền vững. Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và chuyên gia Phần Lan, Chính phủ Việt Nam có thể tạo các điều kiện ưu tiên doanh nghiệp về ESG và thúc đẩy một thị trường năng động, minh bạch.

Dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Phần Lan và Việt Nam là cơ hội quý giá để nhìn lại mối quan hệ đối tác đã được duy trì trong hơn 5 thập kỷ qua. Trước những thay đổi về bối cảnh, Phần Lan vinh dự được tiếp tục củng cố quan hệ song phương với Việt Nam và tìm kiếm thêm nhiều phương thức để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Nguồn: Báo Đầu tư