Quay lại

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023, ngày 12/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" nằm trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương tổ chức.

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ MỚI THÀNH LẬP TĂNG MẠNH

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết từ năm 2018 đến nay, thông qua hoạt động của các cấp Hội Nông dân đã thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 hợp tác xã (HTX) và trên 19.000 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp đạt hiệu quả cao  với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 5,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm. Số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%). Các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay số lượng HTX có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng HTX tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 HTX, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn THT. Trong đó có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tiến Cường - Quyền Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đến nay cả nước đã có 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 36.363 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Hội Nông dân các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức hơn 1000 hội chợ, triển lãm, giới thiệu, xúc tiến thương mại; liên kết với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết 2.761 hợp đồng tiêu thụ nông sản của các HTX.

Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ vốn cũng được đẩy mạnh, chỉ tính trong giai đoạn 2018-2022, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ vốn cho các nhóm hộ với hơn 9.000 dự án (quy mô 300-500 triệu/dự án) từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ trên 15.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện tín chấp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay đối với hơn 3 triệu lượt hộ với tổng dư nợ trên 140.000 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi với gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại, gia trại.

HỢP TÁC XÃ CŨNG GIỐNG “HÙN HẠP”, CÓ HẠP THÌ MỚI HÙN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi đến Diễn đàn câu hỏi: Có phải mô hình Hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn ám ảnh dẫn đến hiểu không đúng về mô hình Hợp tác xã kiểu mới? Có phải do hiểu ra rồi nhưng vì tinh thần hợp tác của người mình yếu kém?

Bộ trưởng kể, có một nông dân ưu tư: “Hợp tác” cũng tương tự như “hùn hạp” thôi, nếu thấy “hạp” nhau thì “hùn”, khi không còn “hạp” nhau thì không “hùn” nữa, vốn ai nấy rút về. “Hợp” hay “hạp” là khái niệm vô hình và không bất biến. Có khi hôm nay còn “hạp” nhau mà ngày mai lại khác. Hợp tác là cùng nhau góp vào, cùng nhau chia ra, nhưng phải đảm bảo công bằng dựa trên nguồn vốn, công sức. Hợp tác là sự chia sẻ để nhân lên giá trị rồi phân chia giá trị đó sao cho công bằng. Nhưng ngay khái niệm “công bằng” đôi khi cũng mơ hồ do nhiều yếu tố tác động đến.

“Con người dễ có cảm xúc mình bị thua thiệt và không muốn thua thiệt. “Đồng tiền liền khúc ruột” mà. Muốn hùn hạp, hợp tác bền vững thì mỗi thành viên đôi khi phải biết làm bài toán trừ trước khi muốn có bài toán cộng, biết làm bài toán chia trước khi muốn có bài toán nhân. Hợp tác không chỉ là góp vốn góp công mà là góp niềm tin, là sự sẻ chia, là sự đồng điệu, có đồng điệu thì nhiều tay vỗ nên kêu”, ông Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác xã là một thiết chế kinh tế nhưng nền tảng bền vững lại mang yếu tố tâm lý xã hội, tâm trạng con người. Hiểu rõ điều đó để không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay vì chỉ tiêu thành tích mà áp đặt. Làm bất kỳ công việc gì mà nhận ra giá trị càng cao thì càng có nhiều động lực. Ngược lại, làm theo kiểu có cũng được mà không có cũng chẳng mất gì thì dễ bỏ cuộc, rồi sẽ tìm cách biện minh. Nào là do ý thức của người dân. Nào là do cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh. Nào là thiếu nhân lực lại chồng chéo trong quản lý. Khi biện minh thì sẽ lúng túng trong tìm ra giải pháp.

“Luật Hợp tác xã sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện và rồi sẽ được ban hành. Cơ chế chính sách hỗ trợ rồi dần sẽ được mở ra dựa theo nguồn lực đất nước và năng lực quản trị của từng Hợp tác xã. Tuy nhiên, muốn tổ chức thực hiện suôn sẻ phải thống nhất nhận thức về bản chất, mục tiêu, triết lý của Hợp tác xã”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

“Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa. Hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp; với nhà nước; nhà khoa học; ngân hàng. Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Phó Thủ tướng giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia.

“Cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể. Cần xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã - Ảnh 1

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã Ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 Nông dân xuất sắc được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ban điều hành mạng lưới gồm 7 thành viên: Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed; Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An; Bà Nguyễn Thị Hồng, Nông dân Việt Nam xuất sắc Hà Nội; Ông Phạm Xuân Thủy, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Thái Bình;  Ông Y Pốt Nie, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Đắk Lắk; Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay;  Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay. 

Nguồn: TBKTVN