Quay lại

Nhu cầu thị trường thay đổi: Ngành gỗ phải đổi thay

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 8/2023 đem về 1,19 tỷ USD, giảm 21,5% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 8,77 tỷ USD, chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt trên 8,48 tỷ USD, chiếm 54,1% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam đến tất cả các thị trường.

BÃO HÒA NỘI THẤT PHÒNG NGỦ VÀ NHÀ BẾP TẠI MỸ
Từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm bàn, ghế, tủ văn phòng. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 6,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt trên 122 triệu chiếc với giá trị kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD. Riêng ghế gỗ văn phòng đã xuất khẩu tới 85,4 triệu chiếc năm 2019, đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD; các đồ nội thất văn phòng khác (tủ, bàn…) đem về gần 1 tỷ USD; trong khi xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ và nội thất nhà bếp chỉ khoảng 800 triệu USD.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến tháng 8/2022, xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ và nhà bếp đã tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể năm 2021, trong số 11,073 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, thì trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 2,03 tỷ USD.

Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ tới thị trường Hoa Kỳ đạt cao nhất, đạt 1,6 tỷ USD và chiếm 79,2% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ. Xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp (chủ yếu là mặt hàng tủ bếp) cũng đạt tới 908 triệu USD năm 2021,  tăng tới 27% so với năm 2020.

Năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất nhà bếp vẫn giữ được tăng trưởng 4% khi đạt 3,06 tỷ USD. Trái ngược với sự tăng trưởng như vũ bão của nhóm hàng đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất văn phòng chỉ đạt 319 triệu USD năm 2021 và 370,3 triệu USD năm 2022, chỉ còn bằng 1/5 so với năm 2019.

Lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ và nhà bếp tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2022, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do thời kỳ đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, nhiều quốc gia thực thi giãn cách xã hội, phần lớn người lao động không cần phải đến văn phòng làm việc, mà được phép làm việc tại nhà. Do đó, người dân sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có không gian sống hoàn hảo nhất, nhu cầu mua sắm giường, tủ phòng ngủ và tủ bếp tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm bàn ghế, tủ văn phòng suy giảm. 

"Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam chỉ đạt 640 triệu USD, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm 2022".

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, xu thế thị trường đã đảo ngược. Lạm phát cao ở Mỹ và EU làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Mặt khác, ngành bất động sản tại Mỹ rơi vào trầm lắng, đã đẩy tiêu dùng đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp “lao dốc” theo.

Theo các báo cáo của Catalina (Công ty phân phối đồ gỗ hàng đầu của Mỹ), xu hướng đồ gỗ nhà bếp và nhà tắm đã suy thoái mạnh theo thị trường nhà ở tại Mỹ. Từ khi Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, doanh số bán hàng các sản phẩm nội thất phòng ngủ, nhà bếp và nhà tắm đã giảm trong nửa đầu năm 2023. Catalina ước tính hoạt động tu sửa nhà bếp trong nửa đầu năm 2023 tại Mỹ giảm 20,7%.

Thị trường bất động sản tại Trung Quốc cũng đang lâm vào suy thoái, đã tác động bất lợi đến xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai tiêu thụ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đạt1,49 tỷ USD trong năm 2021, trên 2,17 tỷ USD năm 2022.

Theo phân tích của Catalina, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam đã chuyển đổi sang sản xuất nhiều đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp, để đáp ứng nhu cầu tăng cao tại thị trường Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, phân khúc đồ nội thất phòng ngủ và nhà bếp tại Mỹ đã trở nên bão hòa.

Các nhà sản xuất tại Việt Nam dường như không sớm nhận ra sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, họ  vẫn sản xuất nhiều đồ gỗ nội thất phòng ngủ và nhà bếp, dẫn đến mặt hàng này tồn kho nhiều. “Các nhà sản xuất từ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm của thị trường nhà bếp, phòng ngủ. Catalina ước tính các lô hàng nhập khẩu những loại sản phẩm này vào Mỹ đã giảm 30,1% trong nửa đầu năm 2023”, báo cáo của Catalina nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Catalina cho rằng còn nhiều phân khúc đồ gỗ khác đang có dư địa tiêu thụ, nếu các nhà sản xuất Việt Nam kịp thời nắm bắt. Theo đó, doanh số bán tủ văn phòng, mặt bàn và ghế văn phòng tại Mỹ gần như không suy giảm trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, doanh số bán cửa phòng tắm đang tăng trưởng vượt trội so với xu hướng chung của ngành. Các mặt hàng gỗ khác như: đồ gỗ ngoài trời (xích đu), các đồ mỹ thuật trang trí bằng gỗ (đồng hồ gỗ, tranh khắc gỗ, đồ lưu niệm. hộp bút văn phòng…) vẫn đang được tiêu thụ rất tốt và tiếp tục tăng trưởng.

CÒN NHIỀU "CỬA" CHO NGÀNH GỖ VIỆT NAM
“Nắm bắt thị trường Mỹ luôn là một trong những yêu cầu quan trọng đối với những nhà xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gỗ suy giảm suốt thời gian qua thì việc khảo sát xu hướng tiêu dùng của người Mỹ càng trở nên cấp thiết hơn”, Catalina khuyến nghị.

Đồng thời, Catalina thông tin rằng nguồn cung ứng cũng đang chuyển hướng khỏi các nhà sản xuất Trung Quốc, quốc gia đã chứng kiến sự sụt giảm 42,0% trong các lô hàng do tác động của đồng USD trong nửa đầu năm 2023. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam tăng cung bù đắp phần nào cho sự sụt giảm từ nhập khẩu đồ gỗ Trung Quốc...

Nguồn: Báo Đầu tư