Quay lại

Nhiều thách thức với ngành da giầy trong năm mới

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam (Lefaso), sản xuất da giầy năm 2022 tăng 15,6% so với năm 2021. Về xuất khẩu, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022 đạt 25,76 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước.

LỰC ĐẨY TỪ CÁC FTA
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam 11 tháng năm 2022, khu vực Nam Mỹ tăng trưởng mạnh nhất với 50,5%, tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ (39,1%), châu Âu (47,5%), châu Á (28,4%), châu Đại Dương (39,4%). Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn dẫn đầu với 10.722,3 triệu USD (37,3%), Trung Quốc vẫn là thị trường đứng thứ 2 đạt 1.659,6 triệu USD (8,6%), Bỉ là thị trường đứng thứ 3 đạt 1.613,0 triệu USD (51,0%).

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam sang thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phản ánh sự phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19.

Nhiều thách thức với ngành da giầy trong năm mới - Ảnh 1

Đặc biệt, xuất khẩu da giầy của Việt Nam sang các thị trường khu vực EVFTA, CPTPP, UKVFTA và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh (lần lượt 50,7%, 46,1%, 41,3% và 64,9%). Thị trường EAEU do vẫn ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài nên không có sự tăng trưởng và sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm trước (-64.3%).

Đánh giá về các thị trường FTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso, nhận định rằng các FTA đóng góp rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giầy.

Điều đáng nói là nhờ tận dụng được các hiệp định như EVFTA, CPTPP (tỷ lệ tận dụng trên 90%) nên ngành da giầy vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Đơn cử như với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thị trường EU là một thị trường truyền thống và cũng là thị trường chính của ngành da giầy. Tuy nhiên, trước khi EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào EU chỉ chiếm khoảng 22 - 23%, còn sau khi hiệp định này có hiệu lực thì tỷ trọng được nâng lên 26%.

Trong hai năm chịu tác động của đại dịch Covid, hầu như xuất khẩu vào tất cả các thị trường đều suy giảm. Song chính nhờ EVFTA mà ngành da giầy vẫn duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU.

Năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng lớn nhất thì xuất khẩu vào thị trường này vẫn có sự tăng trưởng. Riêng 9 tháng năm 2022, mức tăng trưởng vào thị trường của EVFTA khá tốt, hầu hết các thị trường trong khối này đều đạt mức tăng 15 - 20%.

Với CPTPP thì hầu như thị trường nào cũng tăng trưởng, đặc biệt thị trường Canada tăng rất mạnh tới 65%; khối thị trường Bắc Mỹ chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu.

CẦN ĐA DẠNG HÓA NGUỒN CUNG NGUYÊN, PHỤ LIỆU
Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2023, Lefaso cho rằng từ quý 4/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giầy, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.

Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giầy.

Dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động của ngành da giầy. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.

Vì thế, theo bà Xuân, các giải pháp mà doanh nghiệp đang hướng tới là mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Hiện nay, sản phẩm giầy dép của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt.

Theo bà Xuân, Việt Nam hiện được đánh giá là nước khá uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giầy, đặc biệt là giầy thể thao theo các nhãn hàng lớn. Do vậy Legaso cũng hy vọng trong lượng tổng cầu suy giảm nhưng đơn hàng đối với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.

Điều lo lắng với ngành da giầy hiện nay là sự khan hiếm cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu. Với các doanh nghiệp lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu không khó do chuỗi cung lớn, nhưng khó với doanh nghiệp nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Tình trạng này kéo dài từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tuy nhiên đang dần được cải thiện.

NGUỒN: TBKTVN