Quay lại

Nâng cao hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam

Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 (VietShrimp 2024), do Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức đã chính thức khai mạc ngày 20/3/2024, tại tỉnh Cà Mau.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho biết xuất khẩu tôm mang về cho đất nước gần 4 tỷ USD mỗi năm và đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Việt Nam nằm trong 4 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu tôm, cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước 737 nghìn ha, sản lượng 1,12 triệu tấn; so với năm 2022, diện tích cơ bản không tăng nhưng sản lượng tăng 5,5%, tuy nhiên do khó khăn từ nhiều phía nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 19,8%.

“Năm 2024, khó khăn còn nhiều, nhưng dự báo ngành tôm xuất khẩu sẽ khởi sắc, tăng 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD. VietShrimp 2024 đồng hành cùng người nuôi tôm, là diễn đàn lớn để Nhà quản lý, Nhà khoa học,  Nhà kinh doanh và nông dân tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng”.

TS. Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, VietShrimp là hội chợ chuyên ngành về tôm tại Việt Nam đã qua 4 lần tổ chức thành công (năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu và 2021, 2023 tại TP Cần Thơ). Tiếp nối thành công từ những mùa Hội chợ VietShrimp trước, lần này mong muốn giới thiệu bức tranh toàn cảnh, sôi động về ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam. Đồng thời còn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nâng cao hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho hay: Cà Mau chiếm 40% diện tích nuôi, 22% sản lượng và gần 30% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung, ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng đã liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, năm 2023, diện tích nuôi tôm khoảng 278.000 ha, sản lượng đạt 231.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Mặc dù vậy, ngành tôm vẫn chưa khắc phục được những khó khăn, tồn tại cũ, lại phải đối mặt với những thách thức mới. “VietShrimp 2024 tổ chức ở Cà Mau có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới”, ông Sử nhấn mạnh.

Hội chợ triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành hàng tôm Việt Nam thường niên lần thứ 5, năm 2024 tại tỉnh Cà Mau, với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”.

VietShrimp 2024 cũng nhằm kết nối các doanh nghiệp hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đồng thời bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm. Qua đó có kế hoạch, giải pháp và bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đến dự và phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao mục đích, kết quả mà Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam những lần trước đã đạt được, tạo được động lực, làn sóng mới trong phát triển ngành hàng tôm. Đồng thời mong muốn trên cơ sở những thành công đã qua, thời gian tới công tác tổ chức hội chợ sẽ có đánh giá tổng kết, mở rộng đối tượng, từ đó tìm giải pháp, nhất là giải pháp công nghệ tối ưu, phù hợp nhất trong phát triển các ngành hàng thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng.

Nguồn: TBKTVN