Quay lại

Năm 2023 huy động khoảng 157.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế

Thực hiện giải pháp tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 văn bản để triển khai.

NHIỀU CHÍNH SÁCH KỊP THỜI GIÚP DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN VƯỢT KHÓ

Theo đó, Bộ Tài chính cho hay năm 2022 đã ban hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 41/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP.

Năm 2023, kết quả thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế cho thấy, khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng số thuế được miễn, giảm; 105,9 nghìn tỷ đồng được gia hạn, cùng nhiều chính sách đột xuất khác đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi. 

Cùng với đó là hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP; về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp theo Nghị định số 148/2021/NĐ-CP; cung cấp tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 6.753 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam theo Nghị quyết số 70/2022/QH15; bổ sung 240 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư thuộc chương trình phục hồi và 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 theo Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15...

Bên cạnh các nhiệm vụ chủ trì thực hiện, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách.

Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP là 96,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định của Chính phủ số 32/2022/NĐ-CP là 9,6 nghìn tỷ đồng.

"Còn tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng chương trình (64 nghìn tỷ đồng)", Bộ Tài chính cho biết.

Trong đó, việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có quy mô lớn nhất, khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng. Giới phân tích đánh giá cao chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp vì vừa kích cầu, giúp nền kinh tế phục hồi mà còn giúp hạ nhiệt giá cả, góp phần kiểm soát lạm phát.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đều đồng tình đề xuất xem xét kéo dài chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng tới hết năm 2023, để mang lại tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC khoảng 900 tỷ đồng.

Đáng kể, trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Ước thực hiện các chính sách này năm 2022 khoảng 30.677 tỷ đồng.

HUY ĐỘNG 157.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ PHỤC HỒI TRONG NĂM 2023

Bộ Tài chính cho hay theo phương án huy động nguồn lực cho chương trình, năm 2022 đã thực hiện bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng (gồm 18,58 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và 19,57 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sử dụng nguồn vốn của chương trình) theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15.

"Nhờ kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022 tích cực, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm đã đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện chương trình mà không phải huy động thêm vốn", Bộ Tài chính cho biết.

Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của chương trình, Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu nguồn lực vào dự toán năm 2023 trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định (khoảng 157 nghìn tỷ đồng).

Việc huy động vốn cụ thể phụ thuộc vào tình hình thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023, điều kiện thị trường trong và ngoài nước.

"Trong đó, tập trung huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ nội tệ và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; các nguồn vay hợp pháp khác cho chương trình sẽ chỉ sử dụng khi nhu cầu huy động vốn tăng cao và thị trường trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài không đáp ứng đủ", Bộ Tài chính nêu rõ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án huy động nguồn lực cho chương trình.

Nguồn: TBKTVN