Quay lại

Lương tối thiểu tăng từ 1/7 tác động thế nào đến các doanh nghiệp?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có báo cáo đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng dự kiến từ ngày 1/7/2024 đối với doanh nghiệp và người lao động. 

ĐA PHẦN DOANH NGHIỆP ĐÃ TRẢ LƯƠNG CAO HƠN LƯƠNG TỐI THIỂU

Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định nếu điều chỉnh theo phương án nêu trên, mức lương tối thiểu theo tháng sẽ cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu tính đến hết năm 2024. Từ đó cải thiện thêm tiền lương cho người lao động; cơ bản bảo đảm đủ mức sống tối thiểu năm 2025.

Phương án này cũng tính toán đến bối cảnh kinh tế, xã hội và mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, dự báo tăng bình quân khoảng 0,5% - 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,1% - 1,2%.

Mức điều chỉnh có sự chia sẻ, kết hợp hài hòa được lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, với mục tiêu vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến. Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới”, Bộ này cho hay.

Đối với người lao động, giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho họ cải thiện cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho hai bên trong doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh.

Về mức lương tối thiểu giờ, Bộ đề xuất điều chỉnh tương ứng với lương tối thiểu tháng. Trong đó, vùng I tăng lên 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu giờ chỉ là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, trả lương cho 1 giờ lao động. Hiện tại, mức lương tối thiểu giờ nêu trên chỉ tương đương với các mức lương thấp nhất đang được trả cho các công việc không trọn thời gian, như phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…

Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng khi áp dụng mức lương tối thiểu giờ nêu trên, cơ bản sẽ không làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, bởi đa phần đã trả bằng hoặc cao hơn mức này. Do đó, không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người lao động.

Về mặt xã hội, việc tăng lương tối thiểu giờ sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống, tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian.

Mức lương tối thiểu giờ được xác định theo phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng, sẽ không gây ra chuyển dịch thỏa thuận từ trả lương theo tháng sang trả lương theo giờ và ngược lại (do không thay đổi về lợi ích). Vì thế, sẽ không gây ra sự xáo trộn về sử dụng, trả lương và quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

ĐIỀU CHỈNH LẠI ĐỊA BÀN ÁP DỤNG ĐỂ PHÙ HỢP TÌNH HÌNH THỰC TẾ 

Bên cạnh mức tăng lương tối thiểu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn đề xuất điều chỉnh lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu đang quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (theo các Nghị quyết của Quốc hội và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Cụ thể, điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: Thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương; các thị xã Quảng Yên và Đông Triều, các thành phố Uông Bí, Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai; thành phố Tân An, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang; thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương; thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Tân Phú, huyện Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng; thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: Các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương; các huyện Thái Thụy, Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Bộ đánh giá việc điều chỉnh phân vùng nêu trên sẽ tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận; tăng tính cạnh tranh về việc làm, thu hút lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho các địa phương được điều chỉnh.

Thực tế, các địa bàn dự kiến điều chỉnh đều xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương và đã có sự trao đổi, đồng thuận với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nên các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước.

Đồng thời, qua số liệu tổng hợp thì hiện nay có 89 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng I, chiếm 12,62%, có 107 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng II, chiếm 15,18%, có 175 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng III, chiếm 24,82% (175/705) và 334 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV, chiếm 47,38%.

Do đó, việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng sau 2 năm thực hiện không tạo thay đổi quá lớn trên tổng thể. Sau điều chỉnh, dự kiến vùng I tăng thêm 10 địa bàn, vùng II tăng 11 địa bàn, vùng III tăng 5 địa bàn, vùng IV giảm 16 địa bàn.

Ngoài ra, việc điều chỉnh lại địa bàn cũng không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, nhưng có tác động đáng kể đến đời sống của người lao động do mức sống tối thiểu của một số địa bàn đã có sự thay đổi, và cao hơn mức lương tối thiểu của địa bàn đó. Đồng thời, cũng có tác động đến sự phát triển thị trường lao động…

Việc điều chỉnh phân vùng sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống, tạo tâm lý tích cực và góp phần duy trì ổn định trật tự xã hội…

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 1/7 cùng năm.

Trong đó, mức lương tối thiểu tháng điều chỉnh tăng bình quân 6% so với năm 2020, với dự kiến bảo đảm và cao hơn khoảng 0,7% so với mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tính đến hết năm 2023.

Mức lương tối thiểu giờ lần đầu tiên được ban hành, xác định dựa trên cơ sở lấy mức lương tối thiểu tháng quy đổi tương đương theo giờ với thời gian làm việc tiêu chuẩn quy định của Bộ luật Lao động.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Nguồn: TBKTVN