Quay lại

Liên kết phát triển logistics, động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ

Ngày 8/9/2023, Diễn đàn liên kết phát triển logistics động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức. Diễn đàn nhằm nhận diện, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các tỉnh Vùng Đông Nam bộ tìm hiểu, liên kết để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ… Đồng thời, góp phần hiện thực mục tiêu phát triển Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

NHIỀU TIỀM NĂNG, CƠ HỘI PHÁT TRIỂN LOGISTICS
Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP và khoảng 50% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Đông Nam bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển, bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Ngành logistics của vùng Đông Nam bộ còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.

Theo đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, ngày 9/1/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á”.

Đặc biệt, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở Đông Nam bộ. Đáng lưu ý, 2 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

Hiện, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh. 

LIÊN KẾT VÙNG PHÁT TRIỂN CHUỖI LOGISTICS
Chia sẻ về quy hoạch, định hướng phát triển logistics của Bà Rịa- Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000 ÷ 250.000 tấn (6.000÷24.000 TEU) và lớn hơn, đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng.

Đặc biệt, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định đầu tư phát triển hệ thống logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và lợi thế mà tỉnh đang có. Nghị quyết quyết định “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước.

So với các địa phương nằm trong Vùng Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics. Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm. Hiện tại, tỉnh có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm, trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được “siêu” tàu lớn nhất hiện nay. Nhờ hệ thống cảng biển nước sâu mà kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục tăng.

Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và Vùng Đông Nam bộ hiện có nhiều "điểm nghẽn" mà nổi bật là cơ sở hạ tầng, là thách thức cho hoạt động logistics, giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đã chỉ ra các “điểm nghẽn” phát triển vùng trong đó có “mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất-xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng”.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức; phát triển khu thương mại tự do, tạo đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế. Ông Nguyên Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép, đã nêu 4 đề xuất đảm bảo các tuyến đường kết nối liên vùng; sớm hình thành khu thương mại tự do; điều chỉnh giá xếp dỡ tại cảng Cái Mép và đề xuất "cảng mở" tại Cái Mép.

Còn theo Phó Chủ tịch VLA Đặng Vũ Thành, kiến nghị cần đẩy mạnh việc tăng nguồn hàng thông qua liên kết vùng. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn hàng tại chỗ trước khi phát triển nguồn hàng trung chuyển, tạo điều kiện phát triển nguồn hàng xuất nhập khẩu cho địa phương.

XU HƯỚNG XANH HÓA, SỐ HÓA, TỰ ĐỘNG HÓA
Phó Chủ tịch VLA Đặng Vũ Thành nhận định vùng Đông Nam bộ hiện đang được đầu tư khá tốt về công nghệ quản lý kho, quản lý bãi… Đây là một xu hướng rất tích cực để bắt nhịp vào nền kinh tế trong nước và xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, về nguồn nhân lực, cần quan tâm chỉ đạo nhiều hơn để tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển hiện đại của ngành dịch vụ này.

Liên kết phát triển logistics, động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ - Ảnh 1

Đề cập đến một số xu hướng phát triển của ngành, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết xu hướng phát triển của ngành với 3 cụm từ: xanh hóa, số hóa và tự động hóa.

“Về xu hướng xanh hóa, tại hội nghị COP26, Thủ tướng đã cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050, chúng ta đã nhận thấy vai trò quan trọng của xanh hoá, hình thành chuỗi cung ứng xanh. Nếu doanh nghiệp không “xanh” sẽ loại khỏi chuỗi cung ứng vì khách hàng sẽ không chọn, nhất là các khách hàng lớn tại châu Âu, Hoa Kỳ”, ông Hải dẫn chứng.

Ngoài ra, xu hướng số hóa và tự động hóa cũng đang hiện hữu. Những kho thông minh đã hình thành, không cần con người mà điều khiển bằng robot và tự động. Hoặc hệ thống cảng áp dụng vận chuyển container bằng xe không người lái, điều khiển từ xa. Mô hình này đã xuất hiện tại Trung Quốc, Singapore và sẽ trở thành tiêu chuẩn phổ biến…

Bên cạnh đó, một số xu hướng khác là phát triển trung tâm logistics đa tầng do diện tích đất thu hẹp, nhất là tại những khu vực có giá trị như Đông Nam bộ không có diện tích để mở rộng; kết nối trung tâm logistics như khu công nghiệp để khắc phục tình trạng phân tán, mất tính liên kết; khu thương mại tự do thu hút thêm các nhà đầu tư; cảng trung chuyển…

Thông tin về chính sách phát triển logistics của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết: Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển logistics trong 10 năm tới dự kiến sẽ ban hành trong năm 2024.

Nguồn: TBKTVN