Quay lại

HSBC: Việt Nam tăng trưởng 8% nhưng cần thận trọng

Trong báo cáo Vietnam at a glance vừa công bố, HSBC cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á công bố số liệu năm 2022 với những con số ấn tượng cho một năm đầy thách thức. Trong đó, kinh tế Việt Nam trong quý 4 tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đưa tăng trưởng của cả năm 2022 lên 8,0%, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam kể từ năm 1997.

Mặc dù vậy, HSBC cũng lưu ý: "Việt Nam không nên ngủ quên trên chiến thắng vì ẩn dưới con số tăng trưởng đẹp đẽ này". Lý do để HSBC đưa ra nhận định trên là do những yếu tố thuận lợi của Việt Nam đang giảm dần.

Cụ thể, sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam đã và đang chậm so với các nước khác trong khu vực. Trong năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, mức này chỉ bằng 20% so với năm 2019, thấp hơn mức 28% của Singapore và mức 25% của Thái Lan.

HSBC: Việt Nam tăng trưởng 8% nhưng cần thận trọng - Ảnh 1

Ngoài ra, tình hình sản xuất có phần ảm đạm của Việt Nam là hình ảnh phản chiếu của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi bởi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu dao động của các nước phương Tây. Trong đó, xuất khẩu sụt giảm 14,0% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Trái lại, nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ. Điều này có thể được hiểu là Việt nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang “hạ nhiệt” với bản chất hoạt động sản xuất hàng điện tử đòi hỏi nhập khẩu nhiều.

"Triển vọng sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy thách thức với bằng chứng là chỉ số PMI mới nhất tiếp tục lao dốc xuống 46,4 trong tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua", báo cáo của HSBC nêu rõ.

Hơn nữa, lợi thế về cán cân thương mại nói chung của Việt Nam lại một lần nữa thu hẹp do tình hình xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu năng lượng tăng cao trong nửa đầu năm 2022. Điều đó dẫn đến mức thặng dư thương mại thấp, chỉ đạt 4,1 tỷ USD (1% GDP) trong năm 2022. Với mức thặng dư thương mại thấp này nhiều khả năng sẽ không bù đắp được cho thâm hụt trong thu nhập chính và dịch vụ. 

Vì vậy, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến thâm hụt nhẹ tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp, khả năng rơi vào khoảng 1,4% GDP, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi đồng VND. Thực tế, đồng VND đã chịu áp lực giảm giá lớn trước đồng USD mạnh, khiến tài khoản vãng lai suy yếu và làm suy giảm lợi thế về chênh lệch lợi suất.

Để bảo vệ đồng nội tệ, các nhà chức trách đã bán bớt ngoại tệ dự trữ, dự trữ ngoại tệ vốn đã giảm mạnh 20% tính tới quý 3/2022 so với thời điểm đạt đỉnh vào cuối năm 2021. Việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gần đây cùng với thanh khoản USD được cải thiện đã giúp đồng VND bớt áp lực hơn một chút. Mặc dù vậy, việc tăng giá đồng VND nhiều khả năng sẽ là một quá trình từ từ từng bước một.

HSBC: Việt Nam tăng trưởng 8% nhưng cần thận trọng - Ảnh 2

Cuối cùng, theo HSBC, trong khi lạm phát chính của năm đã tương đối thấp ở mức 3,2%, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước mà Việt Nam còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.

"Là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bắt kịp xu hướng chung, tăng lãi suất 200 điểm cơ sở trong năm 2022. Trong khi chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ chậm lại khi Fed được dự báo sẽ giảm tốc và biến động ngoại tệ được xoa dịu, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm cơ bản trong quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0% vào giữa năm 2023", nhóm nghiên cứu của HSBC nêu quan điểm.

HSBC: Việt Nam tăng trưởng 8% nhưng cần thận trọng - Ảnh 3

Nguồn: TBKTVN