Quay lại

Dệt may chạm đáy khó khăn

“Với ngành may, doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Chưa bao giờ những doanh nghiệp có quy mô vài ngàn lao động lại phải nhận đơn hàng 500-1.000 áo jacket, song vẫn phải làm. Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá giảm khủng khiếp, nhiều mã hàng giảm tới 50%”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nói khó khăn kéo dài từ năm 2022 đẩy ngành dệt may vào tình thế cam go chưa từng có.

Trong bức tranh chung, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ, đạt 21,5 tỉ USD (theo Bộ Công Thương). Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu tại các thị trường lớn, trong bối cảnh chi phí đi vay cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại. “Có thể nói suốt cả quãng đường mà Việt Tiến là công ty cổ phần thì chưa bao giờ đối diện với tình trạng tổng cầu thế giới đi xuống kể cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex, nói thêm.

Theo báo cáo của VNDirect, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may niêm yết trong nửa đầu năm 2023 lần lượt giảm 17,5% và 73% so với cùng kỳ, chủ yếu do tiêu thụ yếu trong lĩnh vực vải và hàng may mặc và chi phí lãi vay tăng 42,5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm 4,3 điểm phần trăm do các nhà cung cấp xơ sợi phải giảm giá bán, trong khi các nhà sản xuất vải và hàng may mặc vẫn đang chịu chi phí đầu vào cao.

 

Chẳng hạn, trong 6 tháng, doanh thu của Vinatex giảm 15,5% so với cùng kỳ, đạt 8.119 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt 62,3 tỉ đồng, giảm mạnh 88,4%. May Sông Hồng có doanh thu giảm 20,4% về mức 2.179 tỉ đồng và lợi nhuận ròng giảm 41,1% về mức 110,6 tỉ đồng sau 2 quý đầu năm. Công ty Dệt May Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 1.591 tỉ đồng, giảm 26,7% và lợi nhuận ròng đạt 56,4 tỉ đồng, giảm 55,9%... Trong bối cảnh này, ông Lê Tiến Trường dự báo: “Cầu dệt may thế giới trong 2 năm 2023-2024 sẽ suy giảm do lượng hàng tồn kho lên cao bởi tình trạng quá mua vào đầu năm 2022”.

Tuy nhiên, theo VNDirect, giá trị xuất khẩu sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5, như một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này. Chẳng hạn, trong nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu sợi và khăn của ADS (sang thị trường Trung Quốc và Nhật) đã tăng 2,6 lần so với nửa cuối năm 2022, đạt khoảng 5.600 tấn. Doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ đã gia tăng tỉ trọng lên mức 53% trong 6 tháng (từ mức 52% trong năm 2022).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng nhu cầu mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ các dịp lễ, Tết. Đáng chú ý, Trung Quốc đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiết kiệm để kích thích dòng tiền chảy ngược ra tiêu thụ và đầu tư. Các nhà sản xuất sợi với tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như ADS sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

 

Nhiều năm qua, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu quan trọng của dệt may Việt Nam. Nhưng giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc Việt Nam sang Mỹ giảm 25,7% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 7,04 tỉ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của riêng quý II đã cao hơn 27,2% so với quý I, đạt 3,94 tỉ USD, mang lại kỳ vọng nhu cầu các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.

Trong khi đó, thị trường EU chưa có tín hiệu hồi phục dù hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục được hạ xuống nhờ Hiệp định EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc sang EU của Việt Nam trong 6 tháng giảm 10,2% so với cùng kỳ, đạt 1,89 tỉ USD. Vì vậy, theo dự báo của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu cao nhất ngành dệt may có thể đạt trong năm nay là gần 40 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là khoảng 46-47 tỉ USD.

Nhìn toàn cảnh, lãnh đạo Vinatex cho rằng sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm của thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị May Việt Tiến, cũng cho rằng dệt may Việt Nam gặp khó khăn hơn trước những đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng như chất lượng cao hơn, đòi hỏi tuân thủ các chính sách như phát triển bền vững.

Vì vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thay đổi nhanh chóng để thích ứng với sự chuyển đổi từ sản xuất chuyên môn hóa cao sang sản xuất các mặt hàng nhỏ, cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng phải tổ chức lại dây chuyền sản xuất, công nghệ để chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường hơn.

“Vinatex định hướng trở thành một điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới. Mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000-35.000 tấn vải/năm”, Tổng Giám đốc của Vinatex cho biết.

Nguồn: Nhipcaudautu