Quay lại

Công nghiệp ICT Việt Nam: Xuất khẩu phần cứng điện tử sụt giảm, phần mềm điểm sáng

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023.

XUẤT KHẨU ĐIỆN TỬ CHIẾM HƠN 90% DOANH THU CÔNG NGHIỆP ICT
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh thu ngành trong 6 tháng qua, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, cho rằng hiện nay, doanh thu công nghiệp ICT đang đóng góp tới 90% doanh thu của ngành Thông tin và Truyền thông và chiếm 100% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn lại phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa

Khi thị trường thế giới sụt giảm sẽ tác động tới Việt Nam do doanh thu từ thị trường xuất khẩu điện tử chiếm tỉ trọng hơn 90% doanh thu ngành công nghiệp ICT.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng; cộng thêm hoạt động cắt giảm nhân sự công nghệ thông tin toàn cầu làm cho xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sụt giảm mạnh. Trong đó, xuất khẩu phần cứng, điện tử bị sụt giảm mạnh nhất, tới 9,6%.

Ngoài ra, những khó khăn tại thị trường Mỹ và Châu Âu cũng ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin của Việt Nam.

Thống kê trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu ước đạt 1.445.043 tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.

Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021.

Công nghiệp ICT Việt Nam: Xuất khẩu phần cứng điện tử sụt giảm, phần mềm điểm sáng - Ảnh 1

Có thể thấy, sự sụt giảm thị trường thiết bị điện tử phần cứng là xu hướng chung của thế giới. Khi thị trường thế giới sụt giảm sẽ tác động tới Việt Nam do doanh thu từ thị trường xuất khẩu điện tử chiếm tỉ trọng hơn 90% doanh thu công nghiệp ICT.

PHẤN ĐẤU DOANH THU PHẦN MỀM CỦA DOANH NGHIỆP Ở THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI HƠN 2 TỈ USD
Mặc dù khó khăn toàn cầu ảnh hưởng tới xuất khẩu sản phẩm, dịch cụ công nghệ thông tin, phần cứng điện tử nhưng mảng xuất khẩu phần mềm lại là một điểm sáng của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam khi vẫn duy trì tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản và khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Đơn cử như trong quý 1/2023, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài của FPT tăng 32% và số lượng hợp đồng kí mới tăng 44,1%. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC đóng góp tích cực nhất với tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 31,2% và 65,7% nhờ xu hướng đầu tư cho chuyển đổi số mạnh mẽ, ông Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, mức xuất khẩu này còn khá khiêm tốn so với toàn ngành và tỷ giá Yên Nhật xuống thấp, kéo theo doanh thu cả lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn sụt giảm khoảng 9,8% so với cùng kỳ 2022.

Với những cơ hội và điểm sáng từ lĩnh vực phần mềm, ông Nghĩa cho rằng, trong nửa cuối năm 2023, Việt Nam có thể tập trung duy trì tốc độ phát triển tích cực của lĩnh vực phần mềm, nhất là ở các thị trường Nhật, Mỹ, EU.

Theo dự báo của công ty tư vấn công nghệ thông tin Gartner của Mỹ, chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 12,3% và 13,1%. Ông Nghĩa cho rằng đó là những cơ hội để phát triển. Mục tiêu phấn đấu doanh thu phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài sẽ đạt hơn 2 tỉ USD vào cuối năm 2023.

Thống kê cho thấy, năm 2022 tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của một doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đã đạt hơn 1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ USD nhưng toàn thế giới là con số khổng lồ, hơn 1.800 tỷ USD. Đây là khoảng không thị trường rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác phục vụ.

Như vậy, thị trường vẫn còn hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin như ITO, BPO, coding, quản trị hệ thống và nhiều dịch vụ IT khác.

Nguồn: TBKTVN