Quay lại

Coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng, Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), đã chia sẻ như vậy với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tại Hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 4-5/9.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng cao diễn ra trong nhiều năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động trên thế giới.

Đặc biệt, với việc tạo dựng được lòng tin chiến lược với nhiều đối tác quốc tế lớn, quan tâm và coi đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng sắp tới, Việt Nam trở nên hấp dẫn với những nhà đầu tư nước ngoài.

Song để hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, GS. TS Nguyễn Đức Khương cho rằng có 3 vấn đề Việt Nam lưu ý.

Thứ nhất, cần xác định bài toán lớn mà Việt Nam muốn giải trong tương lai, chẳng hạn như vấn đề liên quan tới chống biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường… để từ đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực có tư duy đổi mới quy trình công việc, cách tiếp cận vấn đề… “Bởi đây không chỉ là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khương nói.

Cuối cùng, cùng với môi trường chính trị - xã hội ổn định, các cân đối lớn được giữ vững, Chủ tịch AVSE Global cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam phải thực sự ổn định trong đó yếu tố tiên quyết là ổn định vĩ mô.

Tuy vậy, trong bối cảnh nền nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trải qua giai đoạn với nhiều biến động phức tạp và khó lường, những “cơn gió ngược” trong giai đoạn hậu Covid-19, chiến tranh cục bộ giữa các quốc gia hay cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn… đã tạo ra môi trường mậu dịch, thương mại quốc tế không thuận lợi.

“Do vậy, muốn tiến về phía trước, Việt Nam phải nắm được nguyên lý vận hành và dự báo được tình hình trong ngắn hạn để tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro, những áp lực, khó khăn cho nền kinh tế”, GS.TS Khương khuyến nghị.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư DO Ventures công bố gần đây cho thấy trong thập kỷ vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã liên tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, coi đây là mục tiêu được ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28% so với năm 2021, từ mức 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD, mức tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Dẫu vậy, sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng công nghệ ngày càng gia tăng trong khi số lượng thương vụ lại tăng lên, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn.

Đặc biệt, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư bao gồm cả trong và ngoài nước và trong nhiều lĩnh vực mới như cơ sở hạ tầng, y tế, dịch vụ địa phương và logsitics…

Toàn cảnh hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 4-5/9.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 4-5/9.

Trong các ngày 4-5/9, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” (Vietnam Symposium in Entrepreneurship, Finance, and Innovation - VSEFI) lần thứ II.

Tham dự Hội thảo có 80 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ gần 20 quốc gia, gồm Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Vietnam, CH. Pháp, Hoa Kỳ, Philipines, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Bỉ, Hàn Quốc, Italy, Liên bang Nga, Estonia, Romania, Nam Phi, Canada.

Hội thảo quốc tế thường niên VSEFI được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề, những thách thức trong đổi mới, kinh doanh và tài chính. Đây cũng là dịp lý tưởng để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển các dự án nghiên cứu với các học giả và chuyên gia quốc tế.

Các chủ đề chính của Hội thảo gồm có: Ứng dụng AI, Dữ liệu lớn và Máy học trong Tài chính; Mô hình kinh doanh và đổi mới sáng tạo; Huy động vốn từ cộng đồng; Chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp; Tài sản tiền điện tử; Tài chính và ngân hàng kỹ thuật số; Đổi mới kỹ thuật số và quản lý tri thức; Nguồn nhân lực kỹ thuật số; Thị trường điện tử và nền tảng giao dịch; Khởi nghiệp/Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới Kỹ thuật số; Tài chính số; Chiến lược tăng trưởng theo định hướng đổi mới; Quản lý đổi mới; Quản trị và tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao; Tiền điện tử; Cho vay P2P; Tính bền vững trong Thế giới số; …

Năm nay, hội thảo đã lựa chọn 60 báo cáo chất lượng nhất, phù hợp với chủ đề của hội thảo để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo, bên cạnh 2 báo cáo chính từ các diễn giả hàng đầu: GS Iftekhar Hasan - Đại học Fordham, Hoa Kỳ; biên tạp viên tạp chí Financial Stability; GS Alfredo De Massis – Đại học Bozen-Bolzano, Italy, Đại học IMD, Thụy Sỹ and Đại học Lancaster, Vương quốc Anh; biên tập viên Entrepreneurship Theory & Practice và tạp chí Family Business Review.

Đặc biệt, các bài báo gửi về Hội thảo sẽ có cơ hội được xuất bản trong các tuyển tập của các tạp chí khoa học uy tín như: Global Finance Journal, Research in International Business and Finance, International Journal of Entrepreneurship and Small Business ...

Nguồn: TBKTVN