Quay lại

Ba hướng lớn trong hợp tác công nghệ số Việt Nam- Nhật Bản

Thông điệp này được đưa ra tại  Chương trình Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 6/8/2024 với chủ đề “Vietnam- Đối tác công nghệ thông tin toàn diện cho việc phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) tham dự Chương trình.

Vietnam IT Day 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA) và Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Chương trình Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Tokyo với chủ đề “Vietnam- Đối tác công nghệ thông tin toàn diện cho việc phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản”.

Chương trình Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Tokyo với chủ đề “Vietnam- Đối tác công nghệ thông tin toàn diện cho việc phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản”.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại thường niên kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ số.

VIỆT NAM LÀ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ LỚN THỨ HAI CỦA NHẬT BẢN

Tại Vietnam IT Day 2024, có ba thông điệp lớn về cơ hội và hướng hợp tác công nghệ số Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới đã được nhấn mạnh.

Thứ nhất, chuyển đổi số hệ thống và ứng dụng AI. Hiện tại, hầu hết các hệ thống công nghệ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực trọng điểm như tài chính- ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, logistics…vẫn đang sử dụng những hệ thống công nghệ được xây dựng từ hơn hai thập kỷ trước.

Điều này đang khiến các doanh nghiệp Nhật Bản có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ trên toàn cầu. Do đó, nhu cầu hiện đại hóa các hệ thống là rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống lớn, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng, nên việc hiện đại hóa cần rất nhiều nguồn lực, và thận trọng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA.

Quan hệ hợp tác công nghệ số giữa các doanh nghiệp hai nước liên tục phát triển nhanh, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hai nước trong hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm của hai nước. Việt Nam vẫn duy trì là sự lựa chọn ưu thích nhất, và là đối tác chuyển đổi số lớn thứ hai của Nhật Bản.

Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang xây dựng được những giải pháp, và hoàn thiện dịch vụ chuyển đổi số để hiện đại hóa hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt cũng đã nghiên cứu, triển khai sẵn sàng những mô hình AI để cùng doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, ứng dụng giúp tối ưu hóa hệ thống, đưa ra mô hình sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản.

Thứ hai, chuyển đổi số sản xuất- Chuyển đổi xanh: Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đều cam kết đạt mức phát thải dòng bằng 0 (NET ZERO) vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hai nước.

Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam đã sẵn sàng những giải pháp quản trị sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, năng lượng, các giải pháp đo kiểm và tối ưu carbon. Đây là sẽ trọng tâm hợp tác trong 10-20 năm tới. Đi trước là công nghiệp ô tô– automotive. Một trong những ngành công nghiệp lớn, trọng tâm phát triển của cả Nhật Bản và Việt Nam.

Thứ ba là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cho sự dịch chuyển của các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang định hình rất rõ xu hướng dịch chuyển tới Việt Nam trong hầu hết các ngành.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Nhật mong muốn chuyển dịch tất cả các tầng công việc, từ upstream đến downstream, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, kiểm thử.

Không những thế, mỗi năm dân số Nhật Bản giảm gần một triệu người, ngược lại dân số Việt Nam tăng gần một triệu người. Ngành công nghệ thông tin Việt Nam có 1,5 triệu lao động, 55,000– 70,000 kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động hàng năm. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Nhật Bản hướng đến Việt Nam vì lý do này.

Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn doanh nghiệp có hàng chục ngàn lao động, hơn chục doanh nghiệp trên 1.000– 5.000 lao động, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 200-1.000 lao động đang phục vụ thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ về quan điểm này, ông Noriya Tarutani, Phó Giám đốc Ban Đổi mới sáng tạo của JETRO thông tin, hàng năm có một số lượng đầu tư trực tiếp nhất định từ Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đến năm 2023 có 59 khoản đầu tư.  Trong những năm gần đây, đã có những Startup Nhật Bản thành lập cơ sở phát triển tại Việt Nam. Một số công ty đang chú ý đến các kỹ sư xuất sắc của Việt Nam và định vị Việt Nam là cơ sở R&D và phát triển các công nghệ tiên tiến như AI.

Ở chiều ngược lại, đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và lĩnh vực công nghệ thông tin đang chiếm phần lớn hoạt động tư vấn của JETRO cho các công ty Việt Nam mở rộng sang Nhật Bản, ông Noriya Tarutani cho hay.

Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong công nghiệp ICT và bán dẫn lên tầm cao mới

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 5/8/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kozuki Ryosuki.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kozuki Ryosuki.

Tại buổi làm việc, ông Kozuki Ryosuki, Thứ trưởng Bộ METI Nhật Bản đã chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển các ngành công nghiệp này, coi công nghiệp bán dẫn quan trọng như ngành công nghiệp ô tô. Nhật Bản đang tập trung huy động nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các công nghệ chủ đạo như bán dẫn và AI. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang gặp một số khó khăn như đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ việc xây dựng các chính sách lớn và chiến lược của Việt Nam về phát triển công nghiệp ICT và công nghiệp bán dẫn, trong đó tập trung đẩy nhanh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã sang đầu tư kinh doanh, cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ cho các đối tác tại Nhật Bản.

Về phát triển hạ tầng số, hai bên đã trao đổi và nhất trí tăng cường hợp tác phát triển thiết bị 5G Open-RAN, hỗ trợ để doanh nghiệp hai nước có thể sớm triển khai các dự án cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm để cung cấp cho thị trường hai nước và trên toàn thế giới.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023, hai bên đã thống nhất sẽ đẩy mạnh các chương trình, sáng kiến hợp tác mới, ở nhiều cấp khác nhau, cùng nhau khai mở các tiềm năng, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp ICT và bán dẫn lên một tầm cao mới.

Nguồn: TBKTVN