Quay lại

“Bắt tay” xúc tiến thương mại còn lỏng lẻo

Những năm gần đây, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng trong vùng đã góp phần đưa thương hiệu chè Tân Cương - Thái Nguyên có mặt ở khắp thị trường nội địa và được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Vương quốc Anh,…

Tương tự, việc tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể của tỉnh có mặt tại hầu hết các hệ thống phân phối như Co.opmart, Winmart, Lotte mart,…

“CÁI KHÓ BÓ CÁI KHÔN”

Tuy nhiên, tại toạ đàm “Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại” ngày 26/8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng liên kết vùng trong xúc tiến thương mại còn khá nhiều bất cập.

Theo bà Thủy, dù chúng ta có một hệ thống hùng mạnh các cơ quan xúc tiến thương mại ở tất cả các địa phương, nhưng khi triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với nhau còn nhiều khó khăn do mô hình hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước hiện không có sự đồng nhất. Cùng với đó, trên cả 63 tỉnh thành chưa có được nhiều những cơ sở hạ tầng lớn để giúp cho việc tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính quy mô.

"Chúng ta không có địa điểm đủ lớn để quy tụ được số lượng đông các doanh nghiệp từ nhiều vùng khác nhau tham gia, chưa kể hiện nay trên bản đồ thế giới, Việt Nam được coi là một “Hub” - trung tâm cung ứng rất lớn của thế giới rất nhiều sản phẩm, hàng hóa như  gạo, cà phê, hạt điều... Nếu như chúng ta muốn thu hút các nhà mua hàng nước ngoài đến xem xét hàng hoá, thì cần phải có cơ sở hạ tầng đủ lớn để quy tụ các doanh nghiệp cung ứng”, bà Thuỷ nói.

Bên cạnh đó, các nguồn lực xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương cũng rất thấp. Địa phương ít, trung ương cũng rất ít nên không có nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn. Nếu để doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thì chỉ có những “ông lớn” mới có thể tham gia, còn những doanh nghiệp nhỏ thì phải tính toán kỹ, cân lên đặt xuống.

"Nhìn xa ra thế giới, ngay những quốc gia gần chúng ta như Thái Lan hay nhiều quốc gia châu Á khác, nguồn lực họ dành cho xúc tiến thương mại rất mạnh mẽ, tức là phải có tiền mới làm được những hoạt động với quy mô chuyên nghiệp, hiệu quả cao hơn", bà Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, tính liên kết giữa các cơ quan xúc tiến thương mại trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo. Vì thế dẫn đến câu chuyện là có nhiều hoạt động còn manh mún, còn chồng chéo, trùng lắp lẫn nhau và chưa kết hợp được những nguồn lực của nhau để có được một hoạt động dẫn dắt chung.

Bổ sung thêm, ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, cho rằng dịch vụ logistics là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phục vụ cho việc giao thương và giới thiệu hàng hóa cũng như xúc tiến thương mại.

Hiện nay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều là những thành phố lớn, nhưng những dịch vụ logistics như bảo quản hàng hóa chế biến hoặc nông sản tươi… chưa đáp ứng được thì những địa bàn tỉnh thì càng khó khăn hơn.

SẼ THỬ NGHIỆM MÔ HÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TẠI NƯỚC NGOÀI THEO QUY MÔ VÙNG

Nhằm tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, theo ông Sáng, chúng ta cần thêm trợ lực từ chính sách. Các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần các cơ chế tài chính, tín dụng, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến mùa vụ… do đó, Chính phủ cần đưa ra những chính sách ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu, nguồn lực tài chính…

Xây dựng được mạng lưới liên kết; thiết lập, duy trì các mối quan hệ đối tác, cơ quan quản lý trong vùng cùng tham gia vào sự kiện, hội thảo để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh. Tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn lực với các cơ sở sản xuất khu vực.

Đối với doanh nghiệp, phải xây dựng và thực hiện được chiến lược marketing hiệu quả, khi đó mới quảng bá được sản phẩm hàng hóa mang tính lâu dài. Đồng thời theo dõi, phân tích về xu hướng thị trường.

Chia sẻ thêm, bà Thủy cho biết các nhà nhập khẩu đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã cũng như nhiều sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, khi họ hỏi đến số lượng cung ứng thì chúng ta lại không đáp ứng được. Vì vậy,  chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt trong liên kết sản xuất và phải bảo đảm được sát những tiêu chí của các thị trường nhập khẩu.

"Khi chúng ta có sự liên kết sản xuất chặt chẽ, mới có được lượng hàng lớn để phục vụ cho những hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô liên kết vùng và liên kết quốc tế cao hơn. Nếu chúng ta không giải quyết được những bài toán về liên kết trong sản xuất, không có những cánh đồng mẫu lớn, không có nguồn cung mang tính quy mô hàng hóa chuẩn chỉnh, thì sẽ rất khó khăn trong công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng, liên kết quốc tế”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Đại diện Cục xúc tiến thương mại cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới. Đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng được gọi là “Winning with Việt Nam”.

Theo bà Thuỷ, đi xúc tiến nhỏ lẻ thì sẽ phát sinh khối lượng công việc rất lớn và hiệu quả kết nối không cao. Hơn nữa, khách hàng nước ngoài không thể nhớ hết hôm nay họ gặp doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn hay Thái Nguyên, mà họ chỉ nhớ đã tiếp xúc với đoàn doanh nghiệp Việt Nam, có những sản phẩm ABC nổi trội.

Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch gom cùng với các địa phương để xúc tiến thương mại có quy mô hơn, đi những đoàn lớn hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài nhằm tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho các doanh nghiệp.

Nguồn: TBKTVN