Xuất khẩu nông sản tận dụng “khoảng lặng” để giữ thị trường Hoa Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Với kết quả này, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1, ngay sau là Trung Quốc với 13,6 tỷ USD.
Chỉ trong hơn một tuần qua, hoạt động xuất khẩu nhiều loại nông sản đã chứng kiến những biến động khó lường, do việc Hoa Kỳ tuyên bố thuế đối ứng rất cao, sau đó vài ngày lại quyết định tạm hoãn áp mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đã khiến cục diện xoay chuyển bất ngờ.
CƠN "BIẾN ĐỘNG" CỦA GIÁ HỒ TIÊU, CÀ PHÊ
Là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 sang Hoa Kỳ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group, cho biết từ ngày 2/4 đến 9/4/2025, phần lớn các đối tác nhập khẩu từ Hoa Kỳ xin hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hồ tiêu, bởi sợ thuế tăng sẽ rất rủi ro. Thế nhưng, từ ngày 10/4/2025 (sau khi Hoa Kỳ tạm hoãn thuế đối ứng) đến nay, các đối tác lại nhắn tin tới tấp xin nhập hàng, đơn hàng gửi về rất nhiều. Hiện các đơn hàng tăng đột biến khiến doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất ba ca.
"Từ ngày 2/4 đến 9/4/2025, phần lớn các đối tác nhập khẩu từ Hoa Kỳ xin hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hồ tiêu, bởi sợ thuế tăng sẽ rất rủi ro. Thế nhưng, từ ngày 10/4/2025 đến nay, các đối tác lại nhắn tin tới tấp xin nhập hàng, đơn hàng gửi về rất nhiều. Hiện các đơn hàng tăng đột biến khiến doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất ba ca".
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, năm 2024 nước ta xuất khẩu khoảng 230.000 tấn hạt tiêu, thu về 1,31 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 72.300 tấn hạt tiêu, giá trị thu về khoảng 409 triệu USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam. Trong quý 1/2025, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu gần 47.300 tấn hạt tiêu các loại, giá trị đạt 324,6 triệu USD, giảm 16,7% về lượng, nhưng tăng tới 37,8% về giá trị (do giá tiêu neo ở ngưỡng cao) so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ 11.019 tấn, thu về 83,4 triệu USD.
Giá hồ tiêu trong nước những ngày đầu tháng 4/2025 giảm nhẹ, sau đó bắt đầu có biến động: ngày 11/4, giá hạt tiêu tăng mạnh 4.000-5.000 đồng/kg so với ngày 10/4, lên mức 153.000-155.000 đồng/kg, đến ngày 15/4, giá hạt tiêu ở các vùng trồng tiêu trọng điểm của Việt Nam phổ biến ở mức từ 156.000 – 157.000 đồng/kg.
Với mặt hàng cà phê, giá cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối tháng 3/2025 lập kỷ lục hơn 5.700 USD/tấn, tăng hơn 73% so với cùng thời điểm năm 2024. Tuy nhiên, trong 10 ngày đầu tháng 4/2025, giá cà phê xuất khẩu bỗng nhiên tụt dốc, chỉ còn dưới 4.800 USD/tấn (ngày 9/4). Từ ngày 11/4 đến nay, giá cà phê trên thị trường thế giới và giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hồi phục.
Trên sàn London, tính đến ngày 15/4/2025, giá cà phê tăng phiên thứ 5 liên tiếp với Robusta, khi các vấn đề về thuế quan của Hoa Kỳ lắng xuống. Riêng trong ngày 15/4/2025, trên sàn London, giá cà phê Robusta tăng 3,22 - 3,92% so với ngày 14/4/2025. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2025, tăng 164 USD/tấn, lên 5.263 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 7/2025, tăng 190 USD/tấn, lên 5.239 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn chưa trở lại mức cao như trước khi “cơn bão” thuế quan của Hoa Kỳ ập đến. Trước đó, ngày 1/4/2025, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2025 là 5.366 USD/tấn.
Hiện tại giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã hồi phục đến mốc 5.200 USD/tấn, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức giá đỉnh vào tháng 3/2025. Tại thị trường trong nước, nếu ngày 8/4/2025, giá cà phê rớt xuống chỉ còn khoảng 120.000 đồng/kg, thì đến ngày 15/4/2025 đã lên mức 130.400 – 134.000 đồng/kg.
"KHOẢNG LẶNG" ĐỂ TÁI CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết tận dụng thời gian Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam 90 ngày, VIFOREST và Hiệp hội các địa phương đã và đang cố gắng xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trước mắt, trong thời gian hoãn áp thuế đối ứng 3 tháng, các doanh nghiệp sẽ tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng hiện có. Đồng thời, tăng cường kết nối và mở rộng sang các thị trường như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó là điều chỉnh cơ cấu khách hàng, tập trung khai thác thị trường nội địa, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, tiết giảm chi phí và hợp lý hóa sản xuất nhằm củng cố nội lực.
Ông Phan Hoàng Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho hay hiện Caseamex xuất khẩu sản phẩm cá tra tới hơn 30 thị trường, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% tổng sản lượng. Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất, bởi tính ổn định và khả năng chi phối các thị trường khác. “Những ngày này, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, kết nối lại với các đối tác cũ tại châu Âu, Canada, Brazil, Nhật Bản, Australia và một số nước châu Á. Đồng thời, áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất; điều chỉnh cơ cấu khách hàng, tập trung khai thác thị trường nội địa, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, tiết giảm chi phí và hợp lý hóa sản xuất nhằm củng cố nội lực”, ông Duy chia sẻ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1, mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam. Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm, cá ngừ; thị trường số 2 của cá tra Việt Nam.
“Ngay lúc này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động tái cấu trúc chiến lược, chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông… nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu đựng”, bà Lê Hằng, chuyên gia phân tích thị trường của VASEP, khuyến nghị.
CHẾ BIẾN SÂU VÀ ĐA DẠNG THỊ TRƯỜNG LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT
Nhận thức rõ rủi ro của việc “bỏ trứng vào một giỏ”, hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến và sản xuất nông sản đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác; đồng thời đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng và minh bạch truy xuất nguồn gốc.
Là doanh nghiệp mạnh về chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ trái cây, trong đó chế biến nha đam và thạch dừa lớn nhất Việt Nam, ông Phạm Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty GC Food, cho biết trước đây xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng nay đã xuất khẩu được sản phẩm đến 22 quốc gia. GC Food dự kiến trong năm 2025 này, Ấn Độ sẽ là một trong các thị trường có sự tăng trưởng nổi bật. Bên cạnh đó, GC Food tiếp tục phát triển thị trường ASEAN như là Malaysia, Indonesia...
Nguồn: TBKTVN