Quay lại

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

HOA KỲ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT CỦA XUẤT KHẨU GỖ VIỆT NAM

Phân tích sâu hơn về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Từ đầu năm tới nay, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, cho thấy nhu cầu đang phục hồi nhanh tại thị trường này. 

"Toàn ngành Gỗ và Lâm sản xuất siêu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,664 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm xuất siêu lớn nhất là gỗ và sản phẩm gỗ, suất siêu 6,16 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái".

Theo Tổng cục Lâm nghiệp.

Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Hoa Kỳ, đây cũng là mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ. Trong 6 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ đều tăng trưởng tích cực. Tiếp theo là xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023.  

Đối với Trung Quốc, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng lên tới 46,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc từ Việt Nam tăng rất mạnh, chiếm 24,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong nửa đầu năm nay đã giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, như Italia là nguồn cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Trung Quốc, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 49,8% tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc.

Tiếp theo là nguồn từ Đức giảm 22,1%. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung cấp đồ gỗ nội thất lớn thứ 3 trong tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc từ Việt Nam đều ở mức thấp, do đó vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác thị trường này trong thời gian tới.

Về kế hoạch những tháng cuối năm, Cục Lâm nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Nhân rộng các mô hình liên kết thành công.

NGUY CƠ TỪ CÁC VỤ KIỆN PHÒNG THƯƠNG MẠI 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức thông báo áp dụng quy định mới về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Việc này đang dấy lên những lo ngại về khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ có những tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Theo đó, DOC đưa ra 5 quy định mới đáng lưu ý về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Thứ nhất, bãi bỏ quy định hiện hành không cho phép Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp xuyên quốc gia.

Thứ hai, bổ sung trường hợp Chính phủ nước bị điều tra chống trợ cấp bỏ qua, không thu các khoản phí, tiền phạt, hình phạt phải nộp (ví dụ phí xử lý nước thải, tiền phạt vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà máy,…) cũng được coi là những khoản trợ cấp, do Chính phủ đáng lẽ đã yêu cầu thanh toán, hoặc phải có hành động để thu các khoản đó.

Thứ ba, bổ sung quy định khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biên độ chống bán phá giá cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam).

Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đương với Việt Nam thì DOC sẽ sử dụng dụng giá trị thay thế của một quốc gia có trình độ phát triển không tương đương. Mặc dù, trong quá trình điều tra của DOC, Việt Nam có quyền bình đẳng về việc lựa chọn nước thay thế nhưng quyền lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về DOC.

Thứ tư, bổ sung và cụ thể hóa các quy định về điều tra trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, cho phép DOC có sử dụng giá trị thay thế để tính toán biên độ phá giá trong vụ việc.

Thứ năm, bổ sung quy định phân cấp áp dụng dữ kiện bất lợi có sẵn trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp.

Thời gian qua, ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện chống phá giá và lẩn tránh thuế chống phá giá tại Hoa Kỳ, đặc biệt vụ kiện lẩn tránh thuế nhắm vào mặt hàng gỗ dán và tủ gỗ Việt Nam.

Với những quy định mới, ông Ngô Sỹ Hoài nhận định sẽ càng gây khó khăn cho ngành gỗ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ càng có nguy cơ cao hơn bị kiện về các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Sản xuất đồ gỗ cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.

Cục Lâm nghiệp cho biết trong 6 tháng đầu năm, trồng mới rừng tập trung đạt 125,5 nghìn ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch trồng rừng trong cả năm 2024 là 245 nghìn ha và trồng đạt 130 triệu cây phân tán.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế 6 tháng đầu năm, đã thu 1.521,16 tỷ đồng, trong đó, thu từ 4 loại dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã thu 1.281,58 tỷ đồng đạt 39,3% kế hoạch thu năm 2024, bằng 92,3% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ ERPA theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP là 239,58 tỷ đồng.

Nguồn: TBKTVN