Quay lại

Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của doanh nghiệp dệt may

Sự kết hợp giữa rối loạn chuỗi cung ứng, chi phí gia tăng, và mối lo về điều kiện lao động đang khiến một số thương hiệu thời trang phương Tây đánh giá lại sự phụ thuộc đã kéo dài nhiều thập kỷ của họ vào các nhà máy ở Trung Quốc – theo tờ Financial Times.

Ông Dieter Holzer, cựu CEO và là một thành viên Hội đồng Quản trị của Marc O’Polo, nói rằng từ năm 2021, thương hiệu thời trang Thuỵ Điển-Đức này đã bắt đầu chuyển từ một số nhà cung cấp ở Trung Quốc sang các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha. Quyết định này nhằm “cân bằng và loại bỏ rủi ro khỏi chuỗi cung ứng và làm cho chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn. Tôi cho rằng nhiều công ty trong ngành may mặc đang xem lại hoạt động sản xuất mà họ có ở Trung Quốc” – ông Holzer giải thích.

Sự dịch chuyển khỏi ngành sản xuất dệt may đại quy mô ở Trung Quốc, dù mới ở giai đoạn đầu, đánh dấu một sự đảo ngược của những gì đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, khi các hãng thời trang trên toàn cầu đã quá quen thuộc với việc thuê sản xuất ở quốc gia đã chiếm vị trí thống lĩnh trong chuỗi cung ứng dệt may này.

TẮC CHUỖI CUNG ỨNG VÀ LUẬT MỚI VỀ LAO ĐỘNG
Những cái tên lớn như Mango và Dr Martens gần đây đã cắt giảm hoặc phát tín hiệu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc khu vực Đông Nam Á. “Thông điệp lớn ở đây là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không ai muốn bỏ hết trứng vào một giỏ cả”, CEO Kenny Wilson của Dr Martens phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái.

Kể từ khi ông Wilson trở thành nhà điều hành cấp cao nhất ở Dr Martens vào năm 2018, hãng sản xuất giày boot này đã chuyển 55% tổng sản lượng khỏi Trung Quốc. Chỉ 12% tổng sản lượng bộ sưu tập Thu Đông 2022 của hãng được sản xuất tại Trung Quốc, từ mức 27% vào năm 2020, và tỷ lệ này được dự báo giảm còn 5% trong năm nay.

“Chúng tôi đang nhận thấy quá nhiều tín hiệu về việc các nhà sản xuất hàng may mặc muốn dịch chuyển khỏi châu Á”, bà Rosey Hurst, Giám đốc công ty tư vấn đạo đức doanh nghiệp Impactt, phát biểu.

Sự dịch chuyển này còn bị thúc đẩy bởi các điều luật nghiêm ngặt hơn ở Mỹ và châu Âu nhằm bảo vệ người lao động, sau những nghi vấn về lao động cưỡng ép ở Tân Cương, một vùng trồng bông lớn ở Trung Quốc – theo bà Hurst.

Hồi tháng 12, CEO Toni Ruiz của Mango nói rằng ông đang cân nhắc giảm mua hàng từ Trung Quốc “nhưng chúng tôi sẽ rất cảnh giác về những diễn biến tiếp theo”. “Việc chúng tôi đang xem xét là mức độ mà việc thuê ngoài toàn cầu vốn đã phát triển trong nhiều năm nay có thể trở nên địa phương hơn”, ông Ruiz nói.

Sự dịch chuyển này được thúc đẩy bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu - nhân tố đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Một nhà tư vấn trong ngành dệt may cho biết đơn hàng từ mùa trước của một nhà bán lẻ đồ trượt tuyết phải đến mùa hè năm 2022 mới được giao tới nơi.

“Đối với nhiều người, không còn những ngày chỉ cần sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển hàng tới tất cả những nơi khác”, Phó chủ tịch Todd Simms của nền tảng thông tin chuỗi cung ứng FourKites phát biểu. “Sự gián đoạn đã làm gia tăng chi phí của việc giao hàng thành phẩm đến khách hàng, dẫn tới nhu cầu sản xuất ở các quốc gia khác để có được sự ổn định tốt hơn”.

Giá cước vận tải đường biển (màu đỏ) và đường không (màu xanh) đã giảm xuống gần đây sau khi tăng vọt trong năm 2022. Đơn vị: nghìn USD/container - Nguồn: FT.

Giá cước vận tải đường biển (màu đỏ) và đường không (màu xanh) đã giảm xuống gần đây sau khi tăng vọt trong năm 2022. Đơn vị: nghìn USD/container - Nguồn: FT.

Lý do tài chính để tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc cũng đang giảm xuống do tiền lương ở nước này tăng lên sau nhiều năm giá nhân công duy trì ở mức thấp - một nhân tố quan trọng để nhiều tên tuổi trong làng thời trang tìm đến nước này để đặt nhà máy. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tiền lương bình quân tại các nhà máy ở nước này tăng gấp đôi trong thời gian từ 2013-2021, từ mức 46.000 Nhân dân tệ (6.689 USD)/năm lên 92.000 Nhân dân tệ.

CEO Jose Calamonte của thương hiệu thời trang Asos nói với nhà đầu tư tại buổi công bố kết quả kinh doanh cả năm 2022 vào cuối năm ngoái rằng các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc không còn có độ cạnh tranh về giá vì mức giá của những sản phẩm này dường như đã ngang bằng so với hàng sản xuất ở châu Âu nếu tính cả chi phí vận chuyển. “Chúng tôi cố gắng nghĩ đến biên lợi nhuận cuối cùng một khi sản phẩm được bán đến tay người tiêu dùng”, ông nói.

CUỘC CẠNH TRANH KHỐC LIỆT VỚI SHEIN
Các hãng bán lẻ hàng dệt may châu Âu đã nỗ lực cắt giảm thời gian vận chuyển hàng, vì các xu hướng thời trang và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Điều này là một lý do nữa phía sau quyết định của họ đưa việc sản xuất về gần hơn.

“Chúng tôi đang giành lấy quyền kiểm soát hoạt động sản xuất. Đây là một xu hướng để đáp ứng các yêu cầu về tốc độ và hiệu quả”, người phát ngôn một thương hiệu thời trang xa xỉ của Anh phát biểu.

Tuy nhiên, các kế hoạch dịch chuyển khỏi những trung tâm sản xuất dệt may ở châu Á không thể diễn ra một cách dễ dàng, bởi sự phức tạp của chuỗi cung ứng. Những nước như Trung Quốc và Việt Nam chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may toàn cầu – theo dữ liệu năm 2020 của CEPII. Chẳng hạn, hơn một nửa số nhà cung ứng của Inditex, công ty bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, nằm ở Trung Quốc trong năm 2021, chỉ giảm nhẹ so với tỷ trọng ghi nhận vào năm 2018.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên thành một nước hưởng lợi từ việc các thương hiệu thời trang phương Tây chuyển sản xuất, một phần bởi quốc gia này là một phần trong liên minh hải quan với liên minh châu Âu (EU) -  cơ chế tạo điều kiện cho thương mại giữa các nước thành viên. “Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một điểm đến được ưa thích và được lựa chọn bởi những hãng như Hugo Boss, Adidas, Nike, Zara…”, Phó chủ tịch điều hành Simon Gaele của công ty tư vấn chuỗi cung ứng Proxima phát biểu.

Một cân nhắc ngày càng quan trọng đối với các nhà bán lẻ là khả năng truy xuất trong chuỗi cung ứng sau nhiều năm có những nghi vấn về lạm dụng người lao động. “Do các quy định của Mỹ chống lại bông có nguồn gốc từ Tân Cương, các thương hiệu cần phải có tính truy xuất tốt hơn nhiều. Châu Âu cũng đang đưa ra luật mới về lao động cưỡng bức, đặt ra áp lực lớn hơn lên ngành thời trang”, bà Hurst nói.

Dù vậy, vị chuyên gia cảnh báo: “Không có đủ tiền trong các chuỗi cung ứng quốc tế để vận hành mọi thứ theo hướng như mong muốn. Do khủng hoảng kinh tế, mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn”.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của một số nền kinh tế trên thế giới năm 2020. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: FT.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của một số nền kinh tế trên thế giới năm 2020. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: FT.

Nhà phân tích Maximilian Albrecht của AlixPartners nói rằng nhiều thương hiệu thời trang nhanh cũng đang rút sản xuất khỏi Trung Quốc để tạo sự khác biệt với Shein – thương hiệu thời trang nhanh đang phát triển mạnh của Trung Quốc. “Các thương hiệu châu Âu không thể cạnh tranh với Shein về chi phí sản xuất, mạng lưới sản xuất cũng như các mối quan hệ”, ông Albrecht nói.

“Tôi cho rằng sẽ có một số thương hiệu nói: ‘mình không thể cạnh tranh được (với Shein) nên mình sẽ chuyển sản xuất về châu Âu’. Khi được sản xuất ở châu Âu, sản phẩm sẽ được cho là có chất lượng cao hơn, cho dù điều đó có thật hay không lại là một vấn đề khác”, ông Albretch phát biểu.

Nguồn: TBKTVN