Quay lại

Vụ Silicon Valley Bank sụp đổ: Bài học không “bỏ trứng vào một giỏ” cho startup Việt

Ngày 10/3, giới tài chính, khởi nghiệp của Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt rung chuyển, sau khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) chính thức dừng hoạt động. Đây là cú ngã ngựa thứ hai của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual năm 2008.

Thành lập năm 1983, trải qua 40 năm hoạt động, SVB được xem là ngân hàng của giới khởi nghiệp với hơn 40.000 start-up công nghệ đang sử dụng dịch vụ tài chính của ngân hàng này.

Không chỉ cho start-up và bản thân các nhà sáng lập vay tiền, SBV còn là nơi các start-up tin tưởng để gửi gắm tài sản và các dòng vốn đầu tư họ gọi được. Trong thời kỳ “tiền rẻ”, khi hoạt động gọi vốn của start-up diễn ra dễ dàng, lượng tiền gửi tại SVB đã tăng hơn gấp 4 lần - từ 44 tỷ USD vào cuối năm 2017 lên 189 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Ảnh: Getty Image.

Không quá nếu nói SVB có thể cung cấp mọi dịch vụ mà một start-up cần từ khi thành lập cho đến lúc IPO hoặc bán lại thành công cho một bên khác. Ngân hàng này cũng là nhà tài trợ của hàng loạt sự kiện trong giới khởi nghiệp, đồng thời đóng vai trò trung gian giúp các doanh nghiệp huy động vốn từ các quỹ đầu tư.

Theo thông tin từ Bloomberg, các start-up và ngay cả những quỹ đầu tư lớn đều lo sợ trước tình hình của SVB. Trả lời hãng tin Bloomberg, một quỹ đầu tư từng rót vốn cho ByteDance cho biết họ đã phải dán mắt vào màn hình theo dõi cổ phiếu của công ty mẹ ngân hàng SVB cùng các tin tức liên quan trong đêm ngày 9/3/2023 trước khi quyết định rút toàn bộ tiền khỏi ngân hàng này ngay trong đêm đó.

Trong khi đó, nhiều nhà khởi nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân đã phải mất ăn, mất ngủ vì SVB.

“Tôi không biết đã có bao nhiêu người phải thức trắng đêm vì SVB để tìm đường giải quyết. Thế nhưng, càng đợi lâu thì nỗi sợ càng lan rộng và chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chẳng ai muốn là người chậm chân cuối cùng cả”, Giám đốc Alp Ercil của quỹ đầu tư Asia Research & Capital Management với 3,5 tỷ USD tài sản nói với Bloomberg.

Ảnh: Getty Image.

Tại Việt Nam, các chuyên gia trong ngành đều nhìn nhận sự kiện SVB không ảnh hưởng trực tiếp đến start-up Việt, nếu có thì đó chỉ là vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, sự sụp đổ của SVB sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu rót vào startup nói chung cũng như startup Việt nói riêng.

“Có tới 44% quỹ đầu tư mạo hiểm gửi tiền ở SVB, nên thế nào cũng ảnh hưởng đến dòng tiền đổ vào start-up trong ngắn hạn, vì không thể rút tiền ra hết được”, ông Nguyễn Nam, CEO Opla Consulting, đồng thời cũng là một trong những mentor của chương trình Shark Tank Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam đánh giá năm vừa qua, với bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, start-up gặp phải “mùa đông gọi vốn”, thì Venture Debt - Khoản vay mạo hiểm, từ các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, đã đóng vay trò quan trọng bổ sung cho dòng vốn hoạt động cho các start-up. Sau sự sụp đổ của SVB lần này, các tổ chức tài chính đánh giá lại rủi ro mô hình và cân bằng dòng tiền của mình trong hoạt động Venture Debt. Kết quả là dòng tiền Venture Debt tới startup bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí tệ nhất có thể sẽ bị đóng băng tạm thời.

“Trước khi SVB diễn ra, các chuyên gia trong giới đầu tư tài chính đều dự đoán có thể nửa cuối năm 2023, tình hình dòng vốn đầu tư sẽ được hồi phục dần lại. Nhưng với tình hình sụp đổ của SVB hiện nay, có thể sẽ khiến hoạt động đầu tư càng chậm hồi phục hơn nữa. Những điều này sẽ khiến các startup toàn cầu vốn nói chung và các start-up Việt Nam chúng ta nói riêng, đã gọi vốn khó hơn, nay lại càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhiều dòng vốn khác nhau”, nhà đầu tư này nhìn nhận.

Tuy nhiên, qua sự việc của SVB, cả ông Nguyễn Nam và bà Hoàng Thị Kim Dung đều cho rằng, start-up nên rút ra một bài học quan trọng, đó là không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Thay vì gửi tất cả tiền của mình vào một tài khoản ngân hàng, các start-up cần chia ra gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau, và phải là các ngân hàng uy tín.

Ông Nguyễn Nam cũng khuyên start-up nên tích cực mở rộng mối quan hệ để chủ động nắm được các tin tức vĩ mô quan trọng và có phương án chuẩn bị phù hợp. Còn bà Hoàng Thị Kim Dung thì khuyên start-up tập trung cao độ vào việc tối ưu dòng tiền, chuẩn bị tất cả các kịch bản kể cả kịch bản xấu như không thể gọi tiếp được vốn đầu tư trong năm nay.

Nguồn: Báo Đầu tư