Quay lại

Vì sao Nhật Bản hạn chế can thiệp tỷ giá?

Tuần trước, nhà chức trách Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng yên sau khi đồng tiền này trượt giá xuống mức thấp nhất 38 năm so với đồng USD. Có một câu hỏi được nhiều người đặt ra: vì sao Nhật không can thiệp thường xuyên để giữ giá đồng nội tệ, mà chỉ thi thoảng mới tiến hành can thiệp?

Ngày thứ Hai (15/7), tỷ giá yên so với USD có lúc đạt mức cao nhất 1 tháng, với 157,165 yên đổi 1 USD. Sáng nay (16/7), đồng yên lại giảm về ngưỡng 158,5 yên đổi 1 USD.

Tuần trước, có lúc đồng yên giảm về mức gần 162 yên đổi 1 USD, thấp nhất kể từ năm 1986. Sau khi Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là can thiệp vào thị trường, tỷ giá yên đã hồi phục về vùng 157-159 yên/USD.

Phát biểu sáng nay, Chánh thư ký nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố nhà chức trách sẵn sàng triển khai tất cả các biện pháp cần thiết trên thị trường tiền tệ nếu xảy ra tình trạng biến động tỷ giá quá mức. “Điều quan trọng là tỷ giá phải phản ánh một cách ổn định các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Sự biến động quá mức của tỷ giá là điều không được mong muốn. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tỷ giá và sẵn sàng hành động để có biện pháp cần thiết”, ông Hayashi nói trong một cuộc họp báo thuòng ngày.

Tuy nhiên, vị quan chức từ chối trả lời khi được hỏi có phải Tokyo đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trong hai ngày liên tiếp vào tuần trước. Theo phỏng đoán của thị trường, cơ quan chức năng Nhật đã can thiệp một lần vào ngày thứ Năm, sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) yếu hơn dự báo của Mỹ giúp đồng yên bật tăng. Thị trường đang chờ đợt dữ liệu thị trường tiền tệ tiếp theo trong ngày hôm nay để phân tích xem liệu Tokyo có can thiệp thêm lần nữa vào ngày thứ Sáu hay không.

Hiện tại, cơ quan chức năng Nhật đã thiết lập một tiêu chuẩn là không xác nhận đã can thiệp vào thị trường hay chưa.

Giới phân tích nói rằng đồng yên đã được mua mạnh trong phiên ngày thứ Năm tuần trước, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, rút ngắn chênh lệch với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm là do báo cáo CPI của Mỹ cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự báo.

Khi đồng yên hồi phục, nhà chức trách Nhật có thể tận dụng đà tăng đó bằng cách can thiệp vào thị trường để đẩy đồng yên lên cao hơn nữa, dẫn tới một phản ứng dây chuyền mua vào đối với các nhà đầu cơ bị rơi vào thế bất ngờ.

Dù đã hồi phục, tỷ giá hiện tại của đồng yên vẫn còn cách không xa mốc 160 yên đổi 1 USD - mức tỷ giá mà thị trường cho rằng nhà chức trách Nhật xem như giới hạn để có hành động can thiệp.

Từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã mất giá khoảng 12% so với USD. Trước đợt can thiệp được cho là diễn ra vào tuần trước, Tokyo mới chỉ có một đợt can thiệp diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Vậy tại sao Tokyo không can thiệp thường xuyên hơn để bảo vệ tỷ giá?

Theo hãng tin Reuters, có 5 lý do khiến nhà chức trách Nhật hạn chế can thiệp thị trường tiền tệ, dù đồng yên liên tục lao dốc:

CAN THIỆP KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC GỐC RỄ CỦA VẤN ĐỀ

Nguyên nhân chính khiến yên mất giá là chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giữ lãi suất cơ bản ở mức 5,25-5,5%, trong khi BOJ áp dụng lãi suất cơ bản 0-0,1%. Bởi vậy, chừng nào chênh lệch lãi suất còn lớn, áp lực mất giá đối với đồng yên còn lớn, ngay cả khi cơ quan chức năng của Nhật Bản có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không.

Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu đã sẵn sàng cho việc giảm lãi suất, và thị trường tin rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Đồng thời, chủ trương của BOJ là tăng dần lãi suất, và rất có thể đợt tăng tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này. Như vậy, khoảng cách lãi suất giữa đồng USD và đồng yên sẽ thu hẹp, giúp giảm bớt sức ép mất giá đối với yên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng áp lực mất giá đối với yên sẽ không giảm đi nhiều, bởi BOJ sẽ chỉ tăng lãi suất với tốc độ hết sức chậm rãi và tần suất thưa thớt. BOJ vẫn đang muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giữ tốc độ lạm phát bền vững 2% thay vì để lạm phát tụt dưới ngưỡng này.

LỰC LƯỢNG CARRY-TRADE QUÁ HUNG HÃN

Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác khiến đồng yên trở thành đồng tiền cấp vốn (funding currency) được ưa chuộng trong giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade). Trong dạng giao dịch này, nhà đầu tư vay đồng tiền có lãi suất thấp hơn để đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao hơn để hưởng lợi tức là phần lãi suất chênh lệch.

Chẳng hạn, dùng yên Nhật để đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ đang mang lại lợi tức gần 6% mỗi năm. Mức lãi như vậy tạo ra sức hấp dẫn lớn của hoạt động carry-trade dựa vào yên Nhật mà nhà chức trách Nhật Bản khó có thể dập tắt.

Số liệu từ Ủy ban Giao dịch hợp đồng hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) vào tuần trước cho thấy số hợp đồng bán khống đồng yên đạt mức cao nhất 17 năm, với 184.223 hợp đồng.

ĐỒNG USD ĐANG LÀ VUA

Một nguyên nhân khác dẫn tới xu hướng mất giá của đồng yên nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà chức trách Nhật là đà tăng giá của đồng USD nhờ vào sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu từ trang MarketWatch, năm nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng gần 3%. Nguyên nhân chính đưa USD tăng giá là dù có dấu hiệu giảm tốc, nền kinh tế Mỹ vẫn đang được đánh giá là khỏe nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới.

Trước thực tế như vậy, bất kỳ nỗ lực can thiệp tỷ giá nào của Nhật Bản cũng chỉ có thể hãm bớt đà giảm giá của yên, thay vì đảo ngược xu thế giảm đó.

ÁP LỰC CHÍNH TRỊ ĐÒI HỎI CAN THIỆP KHÔNG CÒN LỚN

Đồng yên mất giá vẫn là một vấn đề khiến dư luận Nhật Bản không hài lòng và chủ đề này thường xuyên được đề cập trong các chương trình truyền hình và các bài báo trang nhất ở đất nước mặt trời mọc. Dù vậy, thách thức mà đồng yên trượt giá gây ra đối với người dân Nhật có vẻ đã được bù đắp phần nào bởi xu hướng lập kỷ lục của thị trường chứng khoán và tốc độ tăng lương mạnh nhất 33 năm ở nước này.

Hiện tại, người Nhật không còn bất bình với sự mất giá của đồng nội tệ như vào cuối năm 2022 - thời điểm mà tâm lý bất mãn dâng cao khiến Bộ Tài chính Nhật và BOJ phải có động thái bán ra USD để đỡ tỷ giá đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998. Thay vào đó, người Nhật giờ đây gần như đã miễn cưỡng chấp nhận rằng đồng tiền yếu là một phần của thực tại.

Chưa kể, Chính phủ Nhật Bản cũng không muốn can thiệp ồ ạt vào thị trường nếu không nhận được sự đồng thuận của phía Mỹ. Điều này càng có cơ sở sau khi Bộ Tài chính Mỹ đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi tiền tệ như một sự cảnh báo về những hành vi có thể bị coi là thao túng tỷ giá.

CAN THIỆP TỐN KÉM NHƯNG LỢI ÍCH CHẲNG ĐÁNG LÀ BAO

Nhật Bản có nguồn lực lớn là dự trữ ngoại hối lên tới 1,23 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, các đợt can thiệp thị trường tiền tệ gần đây đều cho thấy tác dụng không đáng kể.

Hồi tháng 5, Nhật Bản xác nhận đã có cuộc can thiệp vào thị trường tiền tệ ở thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5, với quy mô hơn 62 tỷ USD. Đây là đợt can thiệp tiền tệ đầu tiên của nước này kể từ năm 2022. Thời điểm can thiệp đó trùng với một đợt phục hồi mạnh của đồng yên, từ mức đáy của 34 năm là 160,03 yên đổi 1 USD thiết lập vào hôm 29/4. Trong cùng phiên đó, đồng yên phục hồi tới 156 yên đổi 1 USD.

Nhưng sau đợt can thiệp nói trên, đồng yên tiếp tục đương đầu áp lực giảm và rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986 vào tuần trước.

Thay vì liên tục can thiệp, giới chức Nhật Bản liên tục cảnh báo rằng họ sẵn sàng hành động. Sự can thiệp bằng lời nói này được cho là đã có tác dụng giảm bớt tốc độ mất giá cũng như mức độ biến động của tỷ giá đồng yên.

Nguồn: TBKTVN