Quay lại

TP.HCM đề xuất cơ chế mới đầu tư dự án BOT, BT

Đề xuất làm dự án BOT trên nền đường cũ

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất cơ chế mới để đầu tư 6 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, gồm mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - giáp tỉnh Long An); Quốc lộ 22; Quốc lộ 13; đường Bắc - Nam (đoạn từ đường Âu Cơ đến Khu công nghiệp Hiệp Phước); trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3; đường song song Quốc lộ 50. Tổng mức đầu tư cho 6 dự án BOT này là 97.125 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là: Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã quy định hình thức BOT chỉ áp dụng khi đầu tư tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường hiện hữu, nhưng vì sao TP.HCM lại đề xuất lại hình thức đầu tư này sau một thời gian tạm dừng?

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận chưa được mở rộng theo quy hoạch do thiếu vốn. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua, vốn bố trí hạ tầng giao thông là 52.744 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu, nên các dự án cấp bách chưa được bố trí vốn.

Vì vậy, để sớm mở rộng các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận, cần có thêm các nguồn vốn khác huy động từ tư nhân. Cơ chế thực hiện lại các dự án BOT chỉ thí điểm cho TP.HCM, nếu đạt hiệu quả, sẽ đề xuất cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật PPP.

Có thể thấy, phương thức đầu tư BOT mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất không có gì khác so với trước đây, tức là nhà đầu tư bỏ vốn ra mở rộng, sau đó sẽ thu phí hoàn vốn. Một điều dễ nhận thấy là, 6 dự án mà Sở này đề xuất đều có chiều dài chỉ từ 10 km trở xuống (duy nhất tuyến đường trục đường Bắc - Nam đoạn từ đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) là dài 26,8 km.

Với chiều dài như vậy, việc đặt các trạm thu phí đúng vị trí là một bài toán rất nan giải, vì không thể chặn đoạn đường 5-10 km để thu phí. Trường hợp đặt trạm thu phí cách xa đoạn đường nâng cấp mở rộng, thì không công bằng vì có những xe không đi vào đoạn đường nâng cấp mà vẫn phải đóng phí. Ví dụ, nếu mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc đến giáp Long An) dài 9,6 km mà thu phí tại trạm An Sương - An Lạc cách đó khoảng 9 km, thì có những xe không sử dụng đoạn đường mở rộng nhưng vẫn phải đóng phí.

Dự án BT thanh toán bằng tiền có khả thi?

Bên cạnh đề xuất thực hiện lại các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức BOT, Sở GTVT TP.HCM còn đề xuất thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) áp dụng cơ chế thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (theo thỏa thuận trong hợp đồng BT), thay vì thanh toán bằng quỹ đất.

Cơ chế thực hiện lại các Dự án BOT chỉ thí điểm cho TP.HCM, nếu đạt hiệu quả, sẽ đề xuất cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật PPP.

 

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, việc thanh toán hoàn vốn (bao gồm chi phí hợp pháp khác) cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ được Thành phố xác định, cân đối thanh toán trong khoảng thời gian nhất định từ các nguồn như đấu giá, đấu thầu các quỹ đất công, cũng như các chính sách tài chính khác.

Việc đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền được cho là khả thi và có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay, khi TP.HCM không còn quỹ đất để trả cho nhà đầu tư. Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện nay đều bắt buộc phải đấu giá, thay vì chỉ định cho nhà đầu tư như trước.

Hình thức đầu tư BT trả bằng tiền hoàn toàn phù hợp với các đoạn đường ngắn như 6 dự án mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất đầu tư theo hình thức BOT. Vấn đề còn lại là nhà đầu tư có muốn tham gia hình thức này hay không. Đa phần nhà đầu tư làm dự án theo hình thức BT đều muốn nhận đất, vì sau nhiều năm, giá trị đất sẽ tăng lên, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận cao so với việc nhận tiền sau khi làm xong công trình.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước đây, TP.HCM đã thí điểm đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng tiền như cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Sài Gòn 2... “Nếu được áp dụng cơ chế thực hiện dự án theo hình thức BT, Thành phố có thể triển khai ngay các dự án đầu tư trọng điểm cấp bách, không phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025”, ông Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đầu tư