TP.HCM cơ cấu lại kinh tế để phát triển nhanh và bền vững
Ngày 16/1, tại TP.HCM, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương và TP.HCM chủ trì hội nghị - Ảnh: Thanhuytphcm.vn |
Một trong những vấn đề đáng chú ý được nêu tại hội nghị là việc tập trung phát triển kinh tế TP.HCM nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu này Thành ủy TP.HCM sẽ có chương trình hành động với các giải pháp cụ thể.
Tại hội nghị, trình bày chương trình hành động, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với nhiệm vụ mà Nghị quyết 31 đặt ra là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thành phố sẽ đưa ra giải pháp cơ cấu lại tổng thể các ngành kinh tế đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Để đạt được mục tiêu nói trên, TP.HCM sẽ thực hiện chương trình chuyển đổi số; hiện thực hóa đề án xây dựng Thành phố thông minh; xây dựng và triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM…
Đặc biệt, Thành phố sẽ chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thành phố cũng thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế như đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. TP.HCM sẽ thực hiện Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu.
Để thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng thời, thực hiện Đề án huy động nguồn lực đầu tư xã hội; Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả …
Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM cũng xác định phát triển TP. Thủ Đức dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Sản xuất chip của Công ty Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn |
Thực hiện Nghị quyết 31, TP.HCM chủ động thúc đẩy liên kết vùng vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long bằng việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối vùng.
Về cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực, TP.HCM sẽ tập trung cho y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao với hình thức đối tác công tư (PPP). Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, thực hiện Đề án y tế thông minh; Đề án phát triển y tế cộng đồng, thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Nghị quyết 31 đã xác định quan điểm và mục tiêu rõ hơn về vị trí, sứ mệnh của Thành phố là không so sánh với cả nước mà so sánh với các thành phố lớn khác trên thế giới. Đây là trách nhiệm mà TP.HCM phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu và tầm nhìn đã nêu trong Nghị quyết 31.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, để đưa TP.HCM phát triển cần sớm sửa đổi, ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thành phố.
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND TP.HCM và UBND Thành phố nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực.
Ngoài ra, cần thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP.HCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển; giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM theo mức hiện nay cho đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo để Thành phố đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân.
Nguồn: Báo Đầu tư