Quay lại

Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc

Với chủ đề: “Hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng”, trong hai ngày từ 6 đến 7/7, tại Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp Đại học Ngoại giao Trung Quốc (CFAU) tổ chức Họp nhóm làm việc trong khuôn khổ Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT).

Phát biểu tại hội nghị, TS Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cho biết mạng lưới các nhóm nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT) là cơ chế theo dõi được thành lập vào năm 2014 nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.

Kể từ khi thành lập, NACT đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện trao đổi ý tưởng, nghiên cứu và khuyến nghị chính sách về các vấn đề cùng quan tâm, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy hợp tác. 

Đặc biệt: “Khối lượng thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng trưởng nhanh chóng, tăng gần 12 lần kể từ năm 2003. Từ năm 2020, ASEAN và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn với kim ngạch thương mại đạt mức 911,7 tỷ USD vào năm 2023, đưa ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong bốn năm liên tiếp.

Trung Quốc đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của ASEAN, đặc biệt là hàng hóa và linh kiện công nghiệp, và đã trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba vào ASEAN, với tổng FDI đạt 18,65 tỷ USD vào năm 2022. Ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc (ODI) vào sản xuất tại ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 44% tổng dòng ODI.

"Các nước ASEAN và Trung Quốc đã thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn giữa công nghiệp và chuỗi cung ứng. Những con số này nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và sự hội nhập liền mạch của chuỗi cung ứng ASEAN - Trung Quốc”, TS Hoàng thông tin thêm.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng, bước vào thập kỷ hợp tác thứ ba, ASEAN và Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với 3 thách thức lớn, gồm: sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu; các mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường gây ra, và tác động chuyển đổi của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo.

"ASEAN với quyền tự chủ mềm dẻo, linh hoạt, đã nổi lên như một cầu nối trong một thế giới ngày càng phân cực, tạo ra một nền tảng cho các nhà đầu tư đa dạng hợp tác và phát triển", TS Hoàng nhấn mạnh.

Thông tin tại Nhóm họp, TS Hoàng cho biết Việt Nam cũng đặt mục tiêu thúc đẩy Đà Nẵng và nhiều thành phố ven biển nâng cấp hơn nữa, trở thành các nút thắt quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.

Để tận dụng tối đa quan hệ đối tác và duy trì hướng hợp tác, TS Hoàng cho rằng điều quan trọng là ASEAN và Trung Quốc phải phối hợp và thống nhất tầm nhìn của cả hai bên trong bối cảnh tương lai. Đồng thời cần tìm kiếm sự hài hòa và gắn kết giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) để xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho khu vực…

Trong chương trình làm việc, các diễn giả đã trình bày 11 tham luận, tập trung phân tích các xu hướng mới trong dịch chuyển chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và đánh giá tác động đối với kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức đặt ra cho các nước ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh mới, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã có chuyến khảo sát thực tế Cảng Đà Nẵng và trao đổi về những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực vận tải, logistics, xuất nhập khẩu… giữa ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu bế mạc, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao và đại diện Đại học Ngoại giao Trung Quốc đã cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, tích cực của các đại biểu cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Ban Tổ chức hy vọng các ý tưởng, giải pháp được đề xuất, trao đổi tại cuộc họp sẽ sớm được cụ thể hóa, góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.

Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT) được thành lập năm 2014, bao gồm các viện nghiên cứu của 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Hiện nay, NACT đã trở thành nền tảng trao đổi học thuật quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy giao lưu, hợp tác học thuật giữa hai bên.

Nguồn: TBKTVN