(Được tạo bởi Phongthongtin - 09-03-2022)
Thách thức thị trường
Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường đầy hứa hẹn tiềm năng nhưng phức tạp và nhiều thách thức, đòi hỏi khả năng thích ứng, sự bền bỉ và kiên nhẫn. Các nhà xuất khẩu nước ngoài tại đây có thể phải đối mặt với nhiều thách thức tương tự đang tồn tại ở các thị trường đang phát triển khác, chẳng hạn như chính sách, quy định không nhất quán hoặc mâu thuẫn lẫn nhau; tăng thuế đối với nhiều loại sản phẩm; yêu cầu nội địa hóa trong các ngành công nghiệp khác nhau; thiếu minh bạch trong đấu thầu, cũng như khó khăn trong quá trình mua sắm công, bao gồm ưu đãi về giá đối với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tục rườm rà; một khuôn khổ tư pháp, luật pháp và quy định tốn nhiều thời gian, không thể đoán trước được. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế kể từ năm 2018, trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Các công ty có thể nhận thấy nhu cầu suy yếu trong suốt năm 2020 và đến năm 2021.
Mức nợ nặng nề (phần lớn được tính bằng USD và euro), đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp biến động đều đè nặng lên khả năng duy trì của các công ty trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang thâm hụt tài khoản vãng lai cũng như tài khoản vốn và lãi suất 8,25% của ngân hàng trung ương thấp hơn lạm phát, dẫn đến đồng lira luôn chịu áp lực phá giá. Phần lớn các khoản vay của khu vực tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ là thông qua các khoản vay bằng ngoại hối, vốn sẽ khó hỗ trợ hơn nếu giá trị của đồng lira giảm xuống. Phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết những trở ngại này là làm việc với một đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để có được những hiểu biết sâu sắc về địa phương và xác định các giải pháp tiềm năng. Lập kế hoạch cẩn thận và kiên nhẫn là chìa khóa thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ hội thị trường
Thời gian qua, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, do nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chậm lại rõ rệt, một số dự án cơ sở hạ tầng dự kiến trước đây đã bị đình chỉ. Điều này cho thấy, cơ hội vẫn còn dành cho các sản phẩm và dịch vụ trong cả lĩnh vực công và tiêu dùng tư nhân. Lĩnh vực hàng không dân dụng đã tăng trưởng hơn 200% trong thập kỷ qua. Cơ hội chủ yếu nằm ở những dự án về cơ sở vận hành bảo dưỡng và sửa chữa (MRO), hệ thống kiểm soát không lưu và các dự án không gian thương mại.
Trong lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu LNF sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại cơ hội lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình. Việc thăm dò dầu khí ngoài khơi sẽ tiếp tục ở Địa Trung Hải và Biển Đen. Các cuộc đấu thầu cấp phép cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, sẽ tiếp tục để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt. Cả khu vực nhà nước và tư nhân tiếp tục đầu tư vào sản xuất hiện đại, công nghệ thông tin và truyền thông, chăm sóc sức khỏe và những lĩnh vực khác.
Với mục tiêu trở thành thành viên của Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù bị ngưng lại, tuy nhiên điều này đã tạo ra động lực để áp dụng nhiều quy định và tiêu chuẩn kinh doanh của châu Âu ở nước này dẫn đến việc bán hàng và kinh doanh tại thị trường này trở nên dễ dàng hơn những năm trước. Bất chấp những bất ổn kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến lược thâm nhập thị trường
Mặc dù nhiều cơ hội vẫn còn cho các công ty nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng có những thách thức đối với việc gia nhập hoặc mở rộng thị trường. Bất kỳ chiến lược thâm nhập thị trường nào ở Thổ Nhĩ Kỳ đều nên bắt đầu bằng sự hiểu biết thấu đáo về chi phí và lợi ích của việc kinh doanh tại nước này. Trong hầu hết các trường hợp, việc thăm dò thị trường để thiết lập mối quan hệ với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết. Đầu tư vào những mối quan hệ này sớm và thường xuyên sẽ làm tăng khả năng thành công hơn.
Trước khi thâm nhập thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty nước ngoài nên xem xét nguồn lực của mình, kinh nghiệm xuất khẩu hoặc kinh doanh ở nước ngoài trước đây và chiến lược kinh doanh dài hạn. Đối với nhiều công ty, việc thiết lập đại diện tại Thổ Nhĩ Kỳ của một đại lý, nhà phân phối, văn phòng liên lạc hoặc đối tác Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là chìa khóa thành công. Một đối tác địa phương có thể cung cấp kiến thức về khuôn khổ quy định tại Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ ngôn ngữ và các mối liên hệ kinh doanh có giá trị. Khi hoạt động kinh doanh phát triển, các công ty có thể thành lập các công ty con và đầu tư thêm tại đây để mở rộng thị phần của mình.