Sửa Luật Đầu tư công: Sẽ giảm mạnh dự án "trùm mền, đắp chiếu"
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án, dự án chờ vốn”
Chiều nay (29/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương được các đại biểu quốc hội đặc biệt tán thành.
Theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), việc phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý sẽ tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công.
Bên cạnh đó, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giữa các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ tạo sự chủ động cho UBND các tỉnh sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, kịp thời giao vốn, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn” hiện nay”, chậm đưa dòng vốn vào nền kinh tế, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, quy định như dự thảo sẽ giúp giảm thời gian khoảng 3 tháng (hiện đang là 6-7 tháng). Tuy vậy, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng nên giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo Luật cũng phân cấp mạnh cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Riêng việc phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ UBTVQH sang cho Thủ tướng đang có ý kiến khác nhau. Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc phân cấp phân quyền này tạo sự chủ động cho các địa phương song cần đánh giá kỹ lưỡng về năng lực thẩm định, đánh giá của cơ quan, người có thẩm quyền được giao quyết định, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả quản lý vốn đầu tư công. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế kiểm soát, xử lý để bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư công đối với các dự án này đạt hiệu quả.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng – một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay của các dự án đầu tư công – dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Quy định này được hầu hết các đại biểu tán thành. Trao đổi với báo Đầu tư, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) nhận xét, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thống nhất một đầu mối giải quyết cho các dự án liên vùng… thời gian qua đã được thí điểm và chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong thực tế, giúp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công. Do đó, việc dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi luật hoá những điều mà thực tế đã chứng minh đúng đắn là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật cũng là những đột phá lớn, nếu được thông qua sẽ góp phần giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, những dự án đóng băng, trùm mền sẽ giảm mạnh.
Dự luật được thông qua sẽ tạo bước đột phá lớn
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các đề xuất chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đều đã qua rà soát, tổng kết, chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng nhất là đúng với tinh thần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển, kịp thời thể chế hóa các quy định, chủ trương, quyết định của Đảng, Quốc hội. Đặc biệt là đổi mới tư duy từ tư duy quản lý, sang tư duy mới là vừa quản lý vừa mở, kiến tạo, thúc đẩy phát triển.
Theo Bộ trưởng, nếu Luật Đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua kỳ họp này sẽ rất kịp thời chuẩn bị cho kế hoạc đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, nếu chậm trễ sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Tất nhiên không vì thời gian mà bỏ qua chất lượng song với dự thảo luật này, Chính phủ đã lựa chọn các vấn đề rất chín, rất rõ, rất cấp bách. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ là một bước đột phá lớn.
Liên quan đến các nội dung cụ thể, Bộ trưởng nhấn mạnh đến đề xuất chính sách tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Hiện nay giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, một trong những nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, khi có quyết định đầu tư thì mới tiến hành được các bước tiếp theo như: giải phóng mặt bằng, đo đạc, kiểm điểm, tái định cư… rất mất thời gian. Việc tách khâu giải phóng mặt bằng sẽ rút ngắn được thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư. Quan trọng nhất, việc tách bạch các khâu và quy trách nhiệm vụ thể với từng khâu sẽ khiến quá trình triển khai dự án được đẩy nhanh hơn.
Một đổi mới đột phá nữa của dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được Bộ trưởng nhấn mạnh là công tác phân cấp phân quyền, theo đúng tinh thần Hội nghị trung ương 10. Một số đại biểu lo ngại hiệu quả việc phân cấp có thể không như mong muốn vì năng lực cấp xã, cấp huyện hạn chế.
Tuy vậy, Bộ trưởng khẳng định, việc phân cấp hay không phụ thuộc vào quyết định của cấp trên, nếu thấy năng lực chưa đủ thì sẽ không phân cấp, linh hoạt trong điều hành. Nếu cấp được phân công cảm thấy năng lực chưa đủ cũng có thể xin rút.
Liên quan đến lo lắng của một số đại biểu về việcphân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ UBTVQH sang cho Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng, nếu dự án phải “gom một mẻ” chờ UBTV họp để trình thì sẽ khiến địa phương lỡ cơ hội. Do đó, để Thủ tướng quyết là linh hoạt nhất, dĩ nhiên, Quốc hội vẫn kiểm soát tổng ngân sách.
Nguồn: Báo Đầu tư