Quay lại

Quốc gia nào chi tiêu cao nhất cho du lịch sự kiện thể thao và âm nhạc quốc tế?

Nghiên cứu mới từ Collinson International, công ty sở hữu Priority Pass và Lounge Key cho thấy du lịch thể thao và âm nhạc đang bùng nổ với tốc độ chưa từng thấy và dự kiến sẽ trở thành một ngành công nghiệp trị giá 1,5 nghìn tỉ USD vào năm 2032.

Du lịch thể thao là phần lớn của con số 1,5 nghìn tỉ USD, hiện tại ngành này được định giá 564,7 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng vọt lên 1,33 nghìn tỉ USD trong tám năm tới. Trong khi đó, du lịch âm nhạc dự kiến sẽ đóng góp thêm 13,8 tỉ USD, gấp đôi so với giá trị hiện tại là 6,6 tỉ USD. 

Người hâm mộ thể thao là những người chi tiêu nhiều nhất trên toàn cầu, với 55% du khách Ấn Độ vượt quá 500 USD cho mỗi chuyến đi. Đáng chú ý hơn là 12% số người được hỏi ở châu Á - Thái Bình Dương chi tiêu hơn 2.000 USD.

Báo cáo được công bố vào ngày 29/7 của Collinson xác định du khách là những người bay đến các sự kiện, dù là quốc tế hay trong nước. Trong số 8.537 người được khảo sát từ 17 quốc gia, hơn 83% đã bay đến các sự kiện thể thao, trong khi 71% đã hoặc dự định sẽ bay đến các buổi hòa nhạc trong ba năm qua hoặc trong 12 tháng tới.

Collinson sử dụng những kết quả này để dự đoán sự mở rộng của ngành công nghiệp, giả định rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục theo dạng tuyến tính, bất chấp những sự kiện nổi bật như tour diễn "Eras Tour" của Taylor Swift hoặc Thế vận hội mùa hè đầu tiên trong tám năm cho phép khán giả tham dự trực tiếp đang diễn ra tại Paris.

thành phố Las Vegas, nơi tổ chức giải đua F1 Grand Prix vào tháng 11/2023, thu về 1,5 tỉ USD

Thành phố Las Vegas, nơi tổ chức giải đua F1 Grand Prix vào tháng 11/2023, thu về 1,5 tỉ USD. Ảnh: Bloomberg.

Theo ông Christopher Ross, Chủ tịch Collinson International EMEA cho biết, con người đang đặt giá trị cao vào những trải nghiệm hơn là những đồ vật. Ông giải thích rằng, "Nếu bạn tham gia một sự kiện thể thao hoặc âm nhạc, trải nghiệm không chỉ bắt đầu khi bạn bước vào sân vận động mà bao gồm cả quá trình lập kế hoạch, di chuyển và cảm giác hào hứng trước sự kiện."

Khoảng 83% du khách tham gia các sự kiện thể thao đang hướng đến các trận đấu bóng đá, các trận đấu bóng rổ, Thế vận hội, các cuộc đua F1 và giải quần vợt - năm sự kiện thể thao phổ biến nhất theo thứ tự giảm dần.

Trong đó, bóng đá chiếm 69% số người được khảo sát về thể thao, những người cho biết gần đây họ tham dự một trận đấu trực tiếp hoặc có kế hoạch làm như vậy trong năm tới. Trong số này gồm hơn 1 triệu người hâm mộ tại Qatar cho World Cup FIFA 2022.

Formula One cũng đang ngày càng phổ biến hơn với các thế hệ trẻ, đặc biệt kể từ khi Netflix phát hành bộ phim tài liệu Drive to Survive vào năm 2019. Khoảng 30% người hâm mộ F1 cho biết họ đã phát triển sự quan tâm đối với môn thể thao này nhờ vào chương trình này. Vào năm 2023, trung bình mỗi cuối tuần có hơn 270.000 người xem trực tiếp, tăng từ 195.000 vào năm 2019.

Sự gia tăng không chỉ được thể hiện qua số lượng người hâm mộ mà còn qua việc giá vé cũng đang tăng cao. Vé cho các cuộc đua ở Anh vào mùa hè này đã lên tới 600 bảng (765 USD) cho các chỗ ngồi "vị trí tốt nhất", với vé vào cửa chung thường có giá hơn 400 bảng mỗi người, tăng từ khoảng 300 bảng chỉ hai năm trước. Điều này đã khiến tay đua Lewis Hamilton công khai chỉ trích việc giá vé tăng cao.

Theo ông Ross giá vé chỉ là một phần của nền kinh tế du lịch thể thao, bao gồm cả việc lưu trú tại khách sạn, bữa ăn tại nhà hàng, di chuyển bằng taxi, mua sắm hàng hóa và các chi phí khác. Dữ liệu của Collinson cho thấy, 77% du khách đến sớm một hoặc hai ngày trước sự kiện và khoảng 80% ở lại từ một đến ba ngày sau đó. Du khách thể thao thường chi tiêu nhiều nhất, với 51% chi tiêu hơn 500 USD cho vé máy bay và các chi phí khác, không tính giá vé sự kiện.

Những du khách này mang lại nguồn doanh thu lớn cho nơi tổ chức. Đơn cử, thành phố Las Vegas, nơi tổ chức giải đua F1 Grand Prix vào tháng 11/2023, thu về 1,5 tỉ USD, nhiều hơn 50% so với giải bóng bầu dục nhà nghề Super Bowl 3 tháng sau đó. Người hâm mộ F1 chủ yếu là người trẻ và cũng là những người có khả năng chi tiêu nhiều nhất cho chuyến du lịch thể thao của mình. “Bạn sẽ nghĩ rằng họ có thu nhập khả dụng ít hơn so với nhóm người lớn tuổi hơn nhưng thực tế họ là nhóm chịu chi”, ông Ross nhận xét.

Thế vận hội mùa hè Paris, dù không thu hút nhiều du khách quốc tế như dự kiến, vẫn đủ hấp dẫn để làm tăng đặt phòng trên Airbnb lên 133% so với cùng kỳ năm ngoái. Du khách quốc tế được dự đoán sẽ chi khoảng 5.000 USD cho việc lưu trú, vé máy bay và chi phí vé sự kiện. Collinson cũng lưu ý rằng người hâm mộ thể thao sẵn sàng chi tiêu nhiều ở sân bay, với hơn một nửa số người hâm mộ thể thao chi tiêu 500 USD hoặc hơn tại sân bay; những người từ 25-34 tuổi là nhóm chi tiêu nhiều nhất, với 1/3 trong số họ chi tiêu hơn 1.000 USD trong khi chờ đợi chuyến bay.

tour lưu diễn của ca sĩ Taylor Swift tại Paris đã giúp lượng đơn đặt phòng tại các khách sạn ở thành phố này tăng mạnh hơn cả Thế vận hội.

Tour lưu diễn của ca sĩ Taylor Swift tại Paris đã giúp lượng đặt phòng tại các khách sạn ở thành phố này tăng mạnh hơn cả Thế vận hội. Ảnh: Getty

Về mặt âm nhạc, Collinson đề cập đến các sự kiện lớn như Rock in Rio, Coachella và tour diễn "Eras Tour" của Taylor Swift như là những động lực chính cho du lịch. Tuy nhiên, sự kiện của Swift là một trường hợp đặc biệt chưa từng có. Theo United Airlines Holdings Inc., lượng vé máy bay đến các điểm đến như Milan và Munich đã tăng 45% so với cùng kỳ năm trước trong các ngày diễn ra concert của nữ ca sĩ, và tour diễn này đã dẫn đến sự gia tăng đặt phòng cho các khách sạn cao cấp ở Paris hơn cả Thế vận hội.

Nguồn ET - Nhipcaudautu