Quay lại

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn: “Lực đẩy” cho sản phẩm xanh, sạch vươn ra thế giới

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết ngành chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 26% vào GDP ngành nông nghiệp. Để duy trì phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi đang tập trung thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, với mục tiêu: giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1-1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3-4 tỷ USD vào năm 2030.

NHIỀU DOANH NGHIỆP CHĂN NUÔI LỚN ĐÃ SẢN XUẤT TUẦN HOÀN

Theo ông Đăng, Chiến lược phát triển chăn nuôi đã xác định phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đồng thời, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay tại Việt Nam, đã có những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình  chăn nuôi tuần hoàn và công nghệ cao như: C.P Việt Nam, Tập đoàn TH, Công ty CP Chăn nuôi GREENFEED Việt Nam… "Khi các doanh nghiệp tập trung sản xuất xanh, thân thiện với môi trường thì những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm tốt nhất, vượt qua mọi tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới", ông Đăng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giao Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác đồng hành tổ chức vào tháng 12/2024, ông Pawalit - Ua Amornwanit, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV), đã chia sẻ về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Năm 2024, CPV đã được nhận “cú đúp” hai danh hiệu: “Top 100 - Doanh nghiệp bền vững Việt Nam lĩnh vực sản xuất” và Danh hiệu chuyên đề “Top 5 - Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải khí nhà kính năm 2024” tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024.

Ông Pawalit - Ua Amornwanit, Tổng giám đốc CPV

Ông Pawalit - Ua Amornwanit, Tổng giám đốc CPV

"CPV có gần 20 nhà máy tại các tỉnh, thành trên cả nước với 30 ngàn lao động. Công ty hợp tác với nông dân, hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi “từ trang trại đến bàn ăn”. Ngoài chăn nuôi heo, gia cầm, CPV còn hình thành chuỗi trong sản xuất thủy sản. Các nhà máy, chi nhánh của CPV không ngừng nỗ lực và áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ sản xuất xanh tuần hoàn, sản phẩm chăn nuôi của CPV đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Cùng với tiêu thụ trong nước Việt Nam, sản phẩm của CPV hiện đã xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ".

Theo ông Pawalit- Ua Amornwanit, những sản phẩm của CPV đã xuất khẩu là thủy sản chế biến, xúc xích, thịt gà với sản lượng hàng chục ngàn tấn/năm; riêng thủy sản hơn 20 ngàn tấn/năm. Năm 2024, CPV Food Bình Phước đã xuất khẩu khoảng 200 triệu USD sản phẩm thịt gà sang một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Trong thời gian tới, CPV tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông…

“Để sản phẩm xuất khẩu được, CPV đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh trong nhiều năm qua. Riêng vấn đề về nhựa, đặc biệt về việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và xuất khẩu (EPR) theo Luật định của Việt Nam, CPV đã tuân thủ thông qua việc khai báo trên hệ thống EPR, và tham gia vào Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam, góp phần mở rộng việc tái chế xử lý rác thải một cách tích cực nhất”, ông Ông Pawalit- Ua Amornwanit chia sẻ.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Theo Cục Chăn nuôi, bình quân mỗi năm toàn ngành chăn nuôi tạo ra 60 triệu tấn phân gia súc gia cầm và hơn 290 triệu m3 nước thải. Lượng phân và nước thải chăn nuôi thải ra rất lớn, nhưng hiện chỉ một phần được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, còn hầu hết được thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm. Do đó, việc khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi. Trong đó, mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt theo hướng hữu cơ triển khai tại 6 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai. Tại các mô hình này, chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng cung cấp thức ăn cho lợn, tạo vòng tuần hoàn trong sản xuất.

Nhờ tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, thân cây ngô, rơm… cho nên giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20%. Chất thải chăn nuôi được ủ bằng chế phẩm tạo nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Theo thống kê, hằng năm các mô hình nêu trên tạo ra khoảng 20 nghìn tấn phân hữu cơ bón cho cây trồng, nhất là trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Tại tỉnh Hoà Bình, Công ty CP chăn nuôi T&T 159 với chuỗi chăn nuôi trang trại lớn, đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng hầm khí biogas, sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi khép kín. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: Công ty thực hiện các mô hình: Khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Đồng thời tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi. Qua đó, xử lý triệt để các ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn. Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chưa đầy đủ. Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Trong khi đó, thiếu hệ thống dữ liệu thông tin phụ phẩm nông nghiệp cho nên việc đánh giá tiềm năng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn: “Lực đẩy” cho sản phẩm xanh, sạch vươn ra thế giới - Ảnh 1

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

"Để bắt kịp xu thế chăn nuôi xanh và tuần hoàn, Việt Nam cần áp dụng chăn nuôi thông minh vào thực tế sản xuất. Áp dụng đồng bộ các công nghệ thông minh như công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, máy móc,… vào chăn nuôi. Các công nghệ được lựa chọn cần có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của người chăn nuôi. Cùng với đó, phải phát triển liên kết chuỗi chăn nuôi khép kín từ trại chăn nuôi kết nối với thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xuất khẩu".

Nguồn: TBKTVN