Quay lại

Ông Tập Cận Bình: Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu khoảng 5%

Tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế

Trong bài phát biểu tại một sự kiện chào đón năm mới 2025 được Tân Hoa xã đăng tải ngày 31/12/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế nước này "nói chung ổn định và tiến triển trong bối cảnh ổn định". Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, các rủi ro trong các lĩnh vực chủ chốt đã được giải quyết hiệu quả, trong khi việc làm và giá cả vẫn ổn định.

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc đã được cải thiện sau khi các nhà hoạch định chính sách nước này đề ra một loạt các biện pháp kích thích kể từ cuối tháng 9 và các nhà kinh tế hiện dự đoán tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc là 4,8%.

Số liệu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc sẽ được công bố trong tháng này.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết việc hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ được tiếp tục trong năm 2025, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô chủ động hơn.

Trung Quốc được cho là sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gần giống với mục tiêu của năm 2024 sau khi các nhà lãnh đạo cấp cao đã hé lộ vào đầu tháng này rằng họ sẵn sàng áp dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc chống đỡ các tác động từ khả năng tăng thuế quan của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng vào cuối tháng này.

Mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc sẽ được công bố vào tháng 3/2025 - thời điểm diễn ra các phiên họp quốc hội thường niên. Reuters trước đó đưa tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% cho năm 2025. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ước tính mức tăng trưởng của Trung Quốc là 4,5% trong năm 2025.

Tại hội nghị công tác kinh tế quan trọng vào tháng 12/2024, các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường hơn nữa các khoản vay và chi tiêu công cũng như nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025.

Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu sức ép từ nhu cầu trong nước yếu và triển vọng không chắc chắn về xuất khẩu - vốn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024. Hơn nữa, tình trạng giảm phát có khả năng sẽ kéo dài trong năm 2025 trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.

Các biện pháp kích thích ban đầu của Bắc Kinh cho năm 2025 được cho là sẽ khó mang lại tác động tức thời, nhưng các nhà phân tích tin rằng chúng là cần thiết để ngăn chặn vòng xoáy giảm phát.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, trong một động thái được cho là cải thiện tâm lý thị trường, đã từng đề cập đến kết quả tăng trưởng của quốc gia tỷ dân trước khi có công bố chính thức của cơ quan thống kê. Cụ thể, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1/2024, Thủ tướng Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này đạt tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc, trên thực tế, đã không dùng đến các biện pháp kích thích lớn.

Nới lỏng tiền tệ

Bước nới lỏng tiếp theo của Trung Quốc có thể đến từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Thống đốc PBoC Pan Gongsheng, vào tháng 10/2024, đã hé lộ rằng cơ quan này có thể giảm 25-50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), tùy thuộc vào điều kiện thanh khoản vào cuối năm.

Tại hội nghị công tác kinh tế diễn ra vào tháng 12/2024, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào "thời điểm thích hợp", nhưng không đề cập thêm thông tin chi tiết.

Chủ trương của PBoC có thể đã cân nhắc đến nhu cầu ổn định đồng nhân dân tệ. Các biện pháp nới lỏng đáng chú ý như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể làm tăng thêm áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ, bởi nó sẽ gia tăng bất lợi về lợi suất của tài sản bằng đồng nhân dân tệ so với tài sản bằng đồng đô la Mỹ, khiến dòng tiền rút khỏi thị trường.

Cần biết rằng đồng nhân dân tệ trong tháng 12/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua.

Mặt khác, cơ quan tiền tệ Trung Quốc có thể giữ nguyên việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một phần vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra tín hiệu thận trọng hơn về tốc độ hạ lãi suất, theo ông Bruce Pang, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (Trung Quốc).

Ông Pang dự đoán rằng thời điểm tiếp theo để Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể là sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1.

"PBoC đang bảo toàn không gian chính sách để đối phó với những bất ổn bên ngoài ngày càng gia tăng. Việc bơm quá nhiều thanh khoản cũng có thể khiến việc quản lý tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ và lợi suất trái phiếu chính phủ trở nên khó khăn hơn", ông Pang phân tích.

Cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc vẫn dồi dào, bất chấp nhu cầu tiền mặt tăng theo mùa vào giai đoạn cuối năm.

Trong tháng 12/2024, chi phí để các ngân hàng thương mại hàng đầu huy động vốn từ các tổ chức khác thông qua các công cụ nợ một năm đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Nhu cầu vay vốn giảm có thể khiến tiền mặt nằm im trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích, trong đó có Liu Yu tại Huaxi Securities, cho rằng PBoC có khả năng sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 1/2025 trước khi bắt đầu Tết Nguyên đán từ ngày 28/1. Trong năm tới, PBoC dự kiến sẽ bơm thanh khoản dài hạn bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và mua thêm trái phiếu chính phủ.

Nguồn: Báo Đầu tư