Quay lại

Ngành nuôi tôm ĐBSCL cần giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải

Đây là nội dung đề cập tại buổi tọa đàm về mô hình này, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp-PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức ngày 25/11, tại tỉnh Bến Tre. Dự tọa đàm còn có lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL, các chuyên gia thủy sản, các doanh nghiệp sản xuất giống, cung ứng vật tư thủy sản.

Nuôi trồng thuỷ sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua do những yếu tố bất thường như nắng nóng kéo dài, diễn biến thời tiết bất lợi làm biến động các yếu tố môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi thuỷ sản trong đó có con tôm đã gây thiệt hại cho người nông dân và toàn ngành thuỷ sản.

nganh nuoi tom Dbscl can giam chi phi san xuat, giam phat thai hinh anh 1

Các đại biểu dự hội thảo nuôi tôm nước lợ tại Bến Tre

   

Đến tháng 11/2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 730.000 ha, tổng sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn (tăng nhẹ so cùng kỳ năm ngoái), bao gồm: sản lượng tôm sú đạt 234.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 795.000 tấn, tôm khác đạt 73.000 tấn. Giá tôm tăng bình quân khoảng 5.000 đồng/kg, trong đó giá tôm thẻ size lớn (20-30 con/kg) tăng mạnh. Các địa phương có diện tích nuôi tôm nhiều nhất là Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre…

Tuy nhiên vụ tôm năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, hơn 22.269 ha tôm bị thiệt hại, chủ yếu 2 loại bệnh là bệnh hoại tử gan tuỵ và bệnh đốm trắng. Năm 2024 cũng vẫn là một năm khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam do giá vật tư đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ với nhiều rào cản khắt khe, giá bán không ổn định, có chiều hướng giảm.

nganh nuoi tom Dbscl can giam chi phi san xuat, giam phat thai hinh anh 2

Nghề nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đứng trước nhiều khó khăn thách thức

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, để nghề nuôi tôm ở Việt Nam (nói chung) và vùng ĐBSCL (nói riêng) phát triển bền vững, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, thì đòi hỏi  có sự chung tay hành động của các ngành, địa phương, nhà nghiên cứu, người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nuôi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, phù hợp trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng an toàn sinh học, giảm phát thải carbon, chất thải rắn, bảo vệ môi trường, kiểm soát lây lan của dịch bệnh; ưu tiên mô hình nuôi công nghệ cao...

nganh nuoi tom Dbscl can giam chi phi san xuat, giam phat thai hinh anh 3

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang

Đặc biệt vùng ĐBSCL cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi: Nâng cấp hệ thống kênh mương thuỷ lợi dùng chung hoặc tách biệt hệ thống cấp và thoát nước; Tăng cường hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất đặc biệt nguồn nhân lực trình độ cao trong điều hành, tổ chức sản xuất; phát triển các mô hình HTX và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;  Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, phát triển thương hiệu cho con tôm thương phẩm.

Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu và phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị. Lựa chọn địa bàn triển khai nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm để khai thác lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro tại các địa phương nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phi sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Nguồn: VOV