Quay lại

Lực lượng lao động "lỡ đò" ở Trung Quốc

Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao tại Trung Quốc đẩy hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào một cuộc sống đầy khó khăn, buộc phải chấp nhận những công việc có mức lương thấp hoặc thậm chí phụ thuộc vào lương hưu của cha mẹ. Hiện tượng này đã tạo ra một tầng lớp lao động mới được gọi là “những đứa trẻ lỡ đò”.

Thuật ngữ này đã trở thành từ khoá nổi bật trên mạng xã hội trong năm nay, gợi nhớ đến cụm từ "những toà nhà lỡ đò" để chỉ hàng chục triệu ngôi nhà chưa hoàn thiện đã gây rắc rối cho nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 2021.

Trong năm nay, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm việc làm trong một thị trường lao động suy yếu do tác động của đại dịch COVID-19 cùng với các quy định hạn chế đối với các ngành tài chính, công nghệ và giáo dục của đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp của khoảng 100 triệu thanh niên Trung Quốc từ 16-24 tuổi đã vượt quá 20% lần đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái và đạt mức kỷ lục 21,3%.

Một năm sau đó, tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ vẫn là vấn đề nhức nhối, với tỉ lệ thất nghiệp đã điều chỉnh đạt đỉnh cao 17,1% vào tháng 7/2024, khi có 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào mùa hè này trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu tác động từ khủng hoảng bất động sản.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tạo việc làm cho thanh niên vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã kêu gọi mở rộng các kênh tiếp cận nhà tuyển dụng tiềm năng cho giới trẻ, chẳng hạn như tổ chức các hội chợ việc làm, và đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tuyển dụng.

“Đối với nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học Trung Quốc, tấm bằng đại học là một cánh cửa để mở ra triển vọng việc làm tốt hơn, khả năng thăng tiến xã hội, và một cái nhìn lạc quan về cuộc sống”, bà Yun Zhou,  trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, nhận định.

Một số người trẻ thất nghiệp đã quyết định trở về quê nhà để làm "con cái toàn thời gian", dựa vào lương hưu và tiết kiệm của cha mẹ. Ngay cả những người có bằng cấp sau đại học cũng không thoát khỏi tình trạng này.

Sau nhiều năm nỗ lực học tập để vượt qua nấc thang học thuật khắc nghiệt, “những đứa trẻ lỡ đò” nhận ra rằng bằng cấp không phải tấm vé thông hành việc làm trong một nền kinh tế ảm đạm. Giới trẻ phải hạ thấp kỳ vọng về các công việc có mức lương cao hoặc tìm bất kỳ công việc nào để trang trải cuộc sống.

Zephyr Cao (27 tuổi) tốt nghiệp bằng thạc sĩ từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc danh tiếng tại Bắc Kinh vào năm ngoái. Sau khi nhận ra mức lương mình nhận được không tương xứng với tấm bằng Thạc sĩ, anh từ bỏ công cuộc tìm kiếm việc làm toàn thời gian và trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

“Nếu tôi làm việc trong ba đến bốn năm sau khi học đại học, mức lương của tôi có lẽ sẽ tương đương với mức lương tôi nhận được bây giờ, sau khi đã có bằng Thạc sĩ. Tôi đang cân nhắc học thêm bằng Tiến sĩ với hy vọng triển vọng sẽ được cải thiện trong vài năm tới”, anh Cao cho biết.

Amada Chen, một sinh viên mới tốt nghiệp từ Đại học Y học Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc, đã từ bỏ công việc bán hàng tại một doanh nghiệp nhà nước vào tuần trước chỉ sau một tháng. Trong 15 ngày thử việc, cô chỉ nhận được 60 nhân dân tệ (8,40 USD) mỗi ngày mặc dù phải làm việc 12 giờ mỗi ngày.

“Tôi từng muốn trở thành một kiểm định viên chất lượng hoặc nhà nghiên cứu, những công việc mà tôi cho rằng phù hợp với kỹ năng chuyên ngành y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, sau hơn 130 đơn xin việc, tôi chỉ nhận được sự trả lời từ các vị trí liên quan đến bán hàng hoặc thương mại điện tử. Tôi đang xem xét lại con đường sự nghiệp của mình và có thể chuyển sang làm người mẫu”, cô nói.

Tình trạng thất nghiệp trong cộng đồng sinh viên tốt nghiệp đại học không phải là điều chưa từng có tiền lệ. Năm 1999, Trung Quốc mở rộng quy mô tuyển sinh đại học với hy vọng tạo ra một lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đã vượt quá nhu cầu việc làm, và từ năm 2007, các cơ quan chức năng đã bày tỏ lo ngại về khả năng tạo ra đủ việc làm cho các tân cử nhân. Mặc dù tình trạng này đã giảm đi một chút, nhưng vẫn chưa bao giờ hoàn toàn biến mất, đặc biệt khi có ngày càng nhiều thanh niên có bằng cấp tham gia vào thị trường lao động.

Ngay cả khi chọn chuyên ngành phù hợp với nhu cầu thị trường, triển vọng công việc của sinh viên vẫn không được đảm bảo. Shou Chen, một sinh viên năm thứ ba tại Đại học Bưu chính và Viễn thông Bắc Kinh, học chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, vẫn chưa tìm được công việc thực tập, dù đã gửi đơn thực tập hơn chục lần. Cô cay đắng khi nói về thị trường việc làm.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 bởi Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Đại học Trung Quốc thuộc Bộ Giáo dục, dự báo số lượng sinh viên đại học sẽ vượt quá nhu cầu từ năm 2024 đến 2037. Tuy nhiên, tác động sau đó của tỉ lệ sinh giảm sẽ bắt đầu có hiệu lực và làm thu hẹp khoảng cách này. Theo báo cáo, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mới có thể đạt đỉnh khoảng 18 triệu vào năm 2034.

Nguồn Reuters - Nhipcaudautu