Quay lại

Liên kết giúp hợp tác xã xây dựng thương hiệu

Hình thành các chuỗi liên kết giúp tổ chức hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bà con nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất được tiếp cận với các phương thức canh tác, kỹ thuật mới và quan trọng là lợi ích kinh tế đem lại cũng bền vững hơn.

Xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) là địa phương có địa hình đồi núi, khí hậu ôn hoà, phù hợp phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu bản địa. Địa phương này cũng có lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng thiếu việc làm ổn định. Nhận thấy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn lao động, một số bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác thanh niên Như Cố vào năm 2017. 

Các thành viên tổ hợp tác đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con địa phương tham gia chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản thay vì cách làm manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Nhờ cách làm mới, các mô hình sản xuất của Tổ hợp tác Thanh niên Như Cố đem lại hiệu quả kinh tế nhanh chóng. Từ thành công bước đầu, các thành viên tổ hợp tác quyết định chuyển đổi mô hình tổ hợp tác thành Hợp tác xã Thanh niên Như Cố. Không dừng lại ở việc làm tốt khâu sản xuất, Ban Giám đốc HTX còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP cho các sản phẩm chủ lực của mình.

lien ket giup hop tac xa xay dung thuong hieu hinh anh 1

Anh Lường Đình Hùng – Cố vấn HTX Thanh niên Như Cố khẳng định: "Đối với những sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, ví dụ những sản phẩm từ sản xuất bún chẳng hạn thì trước đó những sản phẩm thô bán… đã tăng lên từ 30 – 35%, bởi vì sản phẩm…".

Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đang trở thành yêu cầu để ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng hàng hoá, hiện đại và quy mô lớn. Hình thức sản xuất này đảm bảo cho các đối tượng tham gia trong chuỗi liên kết có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Giám độc HTX Chè Cẩm Mỹ ở xã Tất Thắng (huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ) cho rằng, chỉ có sản xuất theo chuỗi liên kết thì sản phẩm mới xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trên diện tích hơn 10 ha, đơn vị này đồng bộ hoá quy trình chăm sóc, thu hoạch và sơ chế để cây chè đảm bảo chất lượng đồng đều. Toàn bộ quá trình chăm sóc, thu hái sản phẩm được các xã viên thực hiện thủ công thay vì dùng máy hái.

Sau gần 7 năm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thông qua vai trò kết nối của hợp tác xã, chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ phấn khởi khi bà con địa phương đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

"Trước đây, người ta không nghĩ là bón phân hữu cơ cho chè và không nghĩ là giá trị cây chè có thể cao đến như thế… Đầu tiên mà tôi thấy rất mừng đó là thay đổi tư duy người sản xuất, thay đổi phương thức…" - chị Mỹ chia sẻ.

Liên kết đang trở thành hướng đi chủ đạo nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta một cách bền vững và chủ động hội nhập quốc tế. Người nông dân ngày càng ý thức được rằng, sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp, trồng gì bán đó không còn phù hợp, thay vào đó phải liên kết để sản xuất những thứ thị trường cần, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng. Tư duy sản xuất thay đổi cùng việc hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến nông sản sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Tham gia liên kết thông qua hợp tác xã giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và hưởng lợi về kinh tế khi giá trị nông sản tăng lên.

Bà Bùi Thị Kim Liên – Phó Giám đốc HTX Trường Gia Phát ở xã Cầu Đất, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc liên kết với doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đem lại lợi ích bền vững cho xã viên. Cụ thể, bà con xã viên được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các thành viên hợp tác xã đã tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ cây cà phê ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ; vỏ cà phê làm nguyên liệu sản xuất một số sản phẩm trà thanh nhiệt. Sản phẩm sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua với giá bán ổn định. Khi có hiệu quả kinh tế bền vững thì nhận thức của bà con về sản xuất cà phê sạch ngày càng được nâng cao.

Bà Bùi Thị Kim Liên cho biết: "Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, trước tiên là mình phải tuyên truyền để cho bà con thấy tác hại của việc sản xuất cà phê nôm na như người dân gọi là cà phê bẩn thì nó sẽ ảnh hưởng đến giá trị của cây cà phê… công ty liên kết thông qua hợp tác xã thì người ta có thể mua tới 20.000 đồng…".

Việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật đang trở thành yêu cầu tất yếu để sản phẩm trở thành lựa chọn của người tiêu dùng. Đây cũng là giải pháp phù hợp với xu thế và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Nguồn: VOV