Quay lại

Kinh tế phục hồi tích cực vượt kịch bản tăng trưởng nhưng không thể chủ quan

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm hóa giải thách thức, đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực, cả về tăng trưởng và lạm phát, trong đó lạm phát có thể là điều dễ thấy nhất. Bình quân 6 tháng, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức cận dưới mục tiêu cả năm là 4-4,5%. Quan trọng hơn, CPI đang có có xu hướng tăng qua từng tháng.

Vấn đề nằm ở chỗ, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, do biến động giá cả trên thị trường thế giới, do nhu cầu sử dụng điện và các dịch vụ như vận tải, du lịch trong mùa cao điểm hè, do lương sẽ tăng từ ngày 1/7 tới, do dự kiến sẽ điều chỉnh một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…

Điều này cho thấy, áp lực điều hành để làm sao ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng tới là rất lớn. Cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp và kịp thời.

Áp lực điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng cũng vậy, dù nhiều dự báo và kỳ vọng cho rằng, nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn trong nửa cuối năm.

Nhiều con số có thể viện dẫn, trong đó sản xuất công nghiệp là một ví dụ.

Mặc dù 6 tháng qua, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước và dù ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, nhưng trong khi có 56 địa phương có Chỉ số Sản xuất công nghiệp tăng, thì vẫn có 7 địa phương giảm.

Ngay cả tiêu dùng nội địa cũng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Minh chứng là trong 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 5,7%, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.

Và dù thương mại hàng hóa đang tăng trưởng tích cực, nhưng khó khăn cũng chưa thể sớm qua đi, đà phục hồi của thương mại hàng hóa chưa mạnh. Nguyên nhân là bởi, kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, dù cả kinh tế Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí cả châu Âu, Trung Quốc đều đang có xu thế nhích lên; nhiều yếu tố bất định vẫn tồn tại, nhất là khi biến động địa chính trị toàn cầu còn căng thẳng.

Trong khi đó, ở trong nước, giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng chững lại, không tăng mạnh, cho dù tổng nguồn lực đầu tư công năm nay thấp hơn năm ngoái. Đặc biệt là vẫn còn một số bộ, ngành giải ngân 0%, thậm chí chưa phân bổ vốn kế hoạch…

Trong bối cảnh đó, cũng thật khó để kỳ vọng khu vực doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tích cực. Trong 6 tháng qua, dù đã có 119.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ, thì cũng có 110.300 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 18,4%. Thêm vào đó, số vốn đăng ký bình quân của các doanh nghiệp thành lập mới cũng có xu hướng giảm.

Rõ ràng, thách thức, khó khăn phía trước là không nhỏ. Chưa thể vội mừng với mức tăng trưởng 6,93% của quý II hay 6,42% của 6 tháng. Hơn thế, điều khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo lắng còn là làm sao để nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới cũng như khu vực.

Có thể, với các con số tích cực của 6 tháng, không còn quá lo về việc có đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay hay không. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đòi hỏi phải quyết liệt thực thi hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, khơi thông dòng tín dụng, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công… để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp mới nổi. Ngoài ra, coi trọng thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng là điều cần được tính đến.

Nửa năm đầu đã tích cực, nửa năm sau cần nỗ lực hơn nữa để nền kinh tế có thể tăng tốc, về đích.

Nguồn: Báo Đầu tư