Quay lại

IMF cảnh báo về lãi suất cao hơn lâu hơn trên toàn cầu

Giá của các dịch vụ - từ cắt tóc, phòng khách sạn cho tới ăn uống ở nhà hàng - cao dai dẳng, cộng thêm căng thẳng thương mại gia tăng, đang khiến lạm phát giảm chậm và đặt ra khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại trong một khoảng thời gian nữa. Đây là cảnh báo mà IMF đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố vào tuần trước.

Lời cảnh báo này cho thấy nền kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn thoát khỏi rủi ro lạm phát, và đó là lý do vì sao các ngân hàng trung ương đến hiện tại vẫn thận trọng với việc cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, lãi suất cao đang tiếp tục đặt ra áp lực đối với tình hình tài chính của hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như nền tài khóa của các quốc gia có mức nợ chính phủ lớn.

Phát biểu trong tháng 7 này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói giới chức Fed “cần có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững” về mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong cuộc họp tháng 6 đã trì hoãn việc hạ lãi suất dù lạm phát ở nước này trong tháng 5 đã giảm về mục tiêu 2%. Điều đáng nói là lạm phát toàn phần đã đạt mục tiêu, lạm phát giá dịch vụ ở Anh vẫn cao hơn so với mức kỳ vọng. BOE nhấn mạnh rằng “chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thắt chặt trong một thời gian, cho tới khi rủi ro lạm phát bám rễ trên mức mục tiêu 2% giảm đi”.

Báo cáo của IMF nói rằng định chế có trụ sở ở Washington DC này vẫn kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất trong nửa sau của năm nay. IMF dự báo Fed sẽ có một lần giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2024 - nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói với các nhà báo.

Theo dự báo mà IMF đưa ra lần này, tốc độ lạm phát toàn cầu sẽ giảm về mức 5,9% trong năm nay, từ mức 6,7% vào năm ngoái - không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. IMF cho rằng giá dịch vụ cao dai dẳng - một phần do tiền lương ở khu vực dịch vụ tăng mạnh - là nguyên nhân chính cản trở tiến trình giảm lạm phát nói chung.

“Lạm phát giá năng lượng và thực phẩm hiện đã giảm về gần mức trước đại dịch ở nhiều quốc gia, nhưng lạm phát toàn phần thì chưa”, ông Gourinchas nói. “Giá dịch vụ và tiền lương ở mảng dịch vụ tăng cao có thể khiến lạm phát toàn phần giữ ở mức cao lâu hơn những gì được mong đợi”, đặt ra rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của IMF cũng lưu ý rằng căng thẳng thương mại gia tăng “có thể đẩy cao các rủi ro ngắn hạn đối với lạm phát thông qua việc làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu”.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng thuế quan áp lên ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc, do lo ngại rằng việc làm và các ngành công nghiệp chiến lược trong nước có thể hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ cũng tăng thuế quan đối với nhiều sản phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm thép, pin, linh kiện bán dẫn và các khoáng sản quan trọng.

Ông Gourinchas nói thực tế các quốc gia “tăng mạnh việc sử dụng các biện pháp đơn phương”, bao gồm thuế quan, là một “mối lo ngại lớn” đối với IMF.

“Việc này sẽ bóp méo thương mại và sự phân bổ nguồn lực, dẫn tới hành động trả đũa, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, kéo tụt mức sống, và gây trở ngại cho việc phối hợp các chính sách để xử lý các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu”, ông Gourinchas nói thêm.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 còn 2,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Trong một báo cáo khác, IMF kêu gọi Fed đợi đến cuối năm 2024 mới giảm lãi suất và Chính phủ Mỹ tăng thuế để giảm bớt tốc độ tăng của nợ liên bang.

IMF dự báo nền kinh tế eurozone gồm 20 quốc gia thành viên tăng trưởng khiêm tốn 0,9% trong năm nay. Tuy nhiên, mức dự báo này đã tăng 0,1% so với dự báo mà IMF đưa ra hồi tháng 4.

Lần dự báo này, IMF nâng triển vọng đối với cả kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc, cho rằng mức tăng trưởng năm nay của hai nền kinh tế sẽ đạt tương ứng 7% và 5%, từ mức 6,8% và 4,6% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 4. Tăng trưởng được dự báo của hai nền kinh tế này ước tính sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.

“Các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á vẫn là đầu tàu chính của kinh tế toàn cầu”, ông Gourinchas nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN