Quay lại

Dấu hiệu đáng lo về kinh tế Mỹ: Người tiêu dùng bắt đầu siết chi tiêu

Gần đây, những động lực chính cho việc chi tiêu đã trở nên yếu hơn khi nhiều dấu hiệu cho thấy việc các hộ gia đình Mỹ “thắt lưng buộc bụng” không phải là một thay đổi nhất thời.

Giữa lúc lạm phát còn cao, rủi ro tiêu dùng giảm tốc và nhiều bộ phận khác trong nền kinh tế Mỹ cũng đồng loạt “hụt hơi” đã đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một tình thế khó khi phải lựa chọn giữa một bên là giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát triệt để, và một bên là bắt đầu giảm lãi suất để tiếp sức cho tăng trưởng.

NGƯỜI TIÊU DÙNG BẮT ĐẦU MỆT MỎI

Trong vòng một năm trở lại đây, thu nhập khả dụng thực tế của các hộ gia đình Mỹ chỉ tăng nhẹ. Tỷ lệ tiết kiệm đang ở mức thấp nhất 16 tháng do các hộ gia đình về cơ bản đã tiêu hết số tiền để dành trong đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Công ty BMO Capital Markets, tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ trong tháng 4/2024 là 3,6%, dù không thay đổi so với tháng 3/2024, nhưng đã giảm mạnh dưới mức bình quân của 12 tháng là 5,2%.

Không còn rủng rỉnh như trước, nhiều người đang phải tiêu thẻ tín dụng và sử dụng các nguồn tiền vay khác để phục vụ cho việc chi tiêu. Đây là nguyên nhân vì sao chi tiêu thực của người Mỹ, sau khi tính đến ảnh hưởng của lạm phát, đã giảm trong tháng 4/2024, trong đó đặc biệt giảm nhiều ở những sản phẩm và dịch vụ không thiết yếu như ô tô, đi ăn nhà hàng và giải trí. Các công ty bán lẻ như Best Buy Co. gần đây đã nhận thấy khách hàng chuyển sang mua sản phẩm của những thương hiệu rẻ hơn, nhất là ở những nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thấp hơn.

“Xung lực giảm dần của thị trường lao động sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng thu nhập, buộc nhiều gia đình phải kiểm soát chặt hơn việc chi tiêu trong lúc tiền tiết kiệm không còn dồi dào và gánh nặng nợ nần tăng lên. Với sự nhạy cảm về giá cả tăng lên, xung lực chi tiêu của hộ gia đình sẽ yếu dần”, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của Công ty dịch vụ kiểm toán Ernst & Young nhận định trong một báo cáo.

Những dấu hiệu về sự suy yếu của tiêu dùng đã được thể hiện trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) hàng tháng mà Bộ Thương mại Mỹ mới công bố cuối tháng 5/2024. Thu nhập cá nhân tháng 4 tăng 0,3% so với tháng trước đó, phù hợp với dự báo và giảm tốc từ mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 3. Chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%, thấp hơn so với kỳ vọng và giảm tốc mạnh từ mức tăng 0,7% ghi nhận trong tháng 3. Sau khi trừ đi lạm phát, cả thu nhập khả dụng và tiêu dùng cá nhân đều giảm 0,1% so với tháng trước.

Trước đó, một báo cáo khác của Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh giảm mạnh mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024, một bằng chứng thuyết phục cho thấy nền kinh tế đang yếu đi sau hai năm trụ vững dưới áp lực từ chiến dịch tăng lãi suất dồn dập của Fed. Theo báo cáo này, GDP của Mỹ chỉ tăng 1,3% trong quý 1/2024, thay vì tăng 1,6% như công bố lần đầu. Tiêu dùng quý 1 (lĩnh vực chiếm 2/3 nền kinh tế) tăng 2% trong lần công bố điều chỉnh, thay vì tăng 2,5% như công bố lần đầu.

Thống kê chính thức cũng cho thấy doanh thu tại các hãng bán lẻ và nhà hàng ở Mỹ bất ngờ đi ngang trong tháng 4/2024, thay vì tăng 0,4% như dự báo của các nhà phân tích.

Ảnh hưởng tích tụ từ mấy năm lạm phát cao liên tiếp, cộng thêm lãi suất cao nhất trong gần 1/4 thế kỷ, đã bắt đầu khiến cho người tiêu dùng Mỹ mệt mỏi. Nền kinh tế Mỹ lấy động lực tăng trưởng quan trọng từ tiêu dùng nên “sức khỏe” của người tiêu dùng có mối liên hệ mật thiết với “sức khỏe” của toàn bộ nền kinh tế.

Trong quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ sau giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt thời kỳ phong tỏa đã góp phần quan trọng đưa toàn bộ nền kinh tế đi lên. Xung lực tăng trưởng đó duy trì trong cả năm ngoái, khi người tiêu dùng tiếp tục hào phóng chi tiêu, từ các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho tới những thứ không thiết yếu như các buổi hòa nhạc đắt tiền hay những chuyến du lịch xa hoa. Đầu năm 2023, giới chuyên gia kinh tế đã đinh ninh Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái, nhưng rồi dự báo đó đã không trở thành sự thật.

LẬP TRƯỜNG CỦA FED

Ngoài nguồn tiền tiết kiệm trong đại dịch, động lực để người Mỹ chi tiêu hào phóng là thị trường lao động thường xuyên trong tình trạng thừa việc thiếu người trong những năm gần đây. Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, số đầu việc cần tuyển dụng nhiều hơn gần 2 triệu vị trí so với số người tìm việc làm, và tiền lương tăng mạnh hơn so với tốc độ lạm phát.

Nhưng khi thị trường việc làm xuất hiện những chuyển biến xấu, những “đám mây đen” ngay lập tức kéo đến phủ bóng lên nền kinh tế. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 4/2024, khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 175.000 công việc mới, ít hơn nhiều so với dự báo 235.000 công việc mới mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của Công ty dữ liệu FactSet. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 3,9% từ mức 3,8% của tháng trước.

Một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vào đầu tuần trước cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế - một chỉ báo quan trọng về nhu cầu lao động - trong tháng 4/2024 giảm 296.000 vị trí so với tháng trước đó, xuống còn 8,059 triệu công việc. Mức giảm này lớn hơn dự báo và số vị trí cần tuyển dụng là thấp nhất trong vòng hơn ba năm trở lại đây.

Cũng trong tuần vừa rồi, báo cáo hàng tháng của Công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho biết khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ có thêm 152.000 công việc mới trong tháng 5/2024, ít hơn nhiều so với con số dự báo 175.000 công việc mới mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Với những dấu hiệu ảm đạm đó, đặc biệt từ thị trường việc làm và lĩnh vực tiêu dùng, giới chuyên gia đang lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể đang tiến gần tới một bước ngoặt xấu. Điều này có thể là một tin tốt đối với Fed, khi ngân hàng trung ương này đã cố gắng giảm tốc tăng trưởng và lạm phát trong hơn 2 năm qua.

Tuy nhiên, nếu nền kinh tế sụt tốc mà lạm phát còn cao, đó sẽ là một “bài toán khó” đối với Fed, vì nếu Fed giảm lãi suất để cứu tăng trưởng thì lạm phát có nguy cơ trỗi dậy, còn nếu Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát, nền kinh tế sẽ đương đầu áp lực giảm lớn hơn.

Giới phân tích cho rằng Fed hiện tại sẽ không bận tâm nhiều bởi các số liệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế. Fed vẫn đang chủ trương duy trì lãi suất thêm một thời gian cho tới khi tin chắc rằng lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC gần đây Chủ tịch Fed Chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, cho rằng Fed nên đợi cho tới khi có bước tiến lớn về giảm lạm phát rồi mới bắt đầu hạ lãi suất. Khi được hỏi về điều kiện cần để Fed giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay, ông Kashkari đáp: “Nhiều tháng dữ liệu lạm phát khả quan mới có thể mang lại cho tôi sự tin tưởng rằng đã đến lúc có thể giảm lãi suất”. Thậm chí, nhà hoạch định chính sách tiền tệ này còn nhận định Fed có thể tăng thêm lãi suất nếu lạm phát không giảm thêm. “Tôi không cho là chúng tôi nên loại trừ bất kỳ khả năng nào ở thời điểm này”, ông nói.

Nguồn: TBKTVN